DetailController

Tin từ các đơn vị

Phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh tương xứng với tiềm năng và yêu cầu trong tình hình mới

26/04/2022 00:00
Hòa Bình là tỉnh Trung du và cửa ngõ miền núi phía Bắc, tiếp giáp và cách trung tâm thủ đô Hà Nội 70 km, sân bay Quốc tế Nội Bài 93 km và cảng biển Hải Phòng 170 km… rất thuận lợi cho lưu thông hàng hóa. Với vị trí địa kinh tế, chính trị, tỉnh có thị trường khá rộng lớn, đặc biệt là thị trường Hà Nội và các tỉnh thuộc vùng đồng bằng Sông Hồng; vùng kinh tế trọng điểm Tây Bắc, các thành phố lớn và khu vực công nghiệp lớn. Đối với vùng Hà Nội, trong Quy hoạch phát triển vùng, Hòa Bình được xác định sẽ đóng vai trò là thành phố vệ tinh, cung cấp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là lợi thế so sánh quan trọng của tỉnh về thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và điều kiện để tiếp thu các công nghệ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp.

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tốc độ tăng trường bình quân 3,8%/năm, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng các ngành chăn nuôi, thủy sản. Sản lượng các cây trồng, vật nuôi có giá trị đều tăng. Đảm bảo được an ninh lương thực, nâng cao giá trị tăng, hiệu quả sử dụng đất. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với tín hiệu thị trường, tiên tiến hiện đại, hiệu quả và phát triển bền vững. Quy mô sản xuất của các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị hàng hóa và xuất khẩu ngày càng được mở rộng, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Nhiều vùng sản xuất hiệu quả kinh tế thấp đã được chuyển đổi sang sản xuất các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng thâm canh, chăn nuôi công nghiệp, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh tế trang trại, gia trị ngày càng phát triển… góp phần tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản, tăng hiệu quả sản xuất và năng suất lao động nông nghiệp, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Với các chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước, của tỉnh, vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp của tỉnh đã tăng khá trong thời gian qua. Kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp, các chính sách mở cửa, hội nhập với nền kinh tế thế giới… là những điều kiện thuận lợi để ngành Nông nghiệp của tỉnh phát triển.

Để phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh tương xứng với tiềm năng và yêu cầu trong tình hình mới, tỉnh xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên; có năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực canh tranh cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, thế giới. Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tăng nhanh thu nhập và mức sống của nông dân. Thay đổi phương thức sản xuất – tiêu thụ truyền thống sang phương thức liên kết chuỗi giá trị với sản phẩm chủ lực có thương hiệu đáp ứng tín hiệu của thị trường.

Phấn đấu hàng năm đảm bảo tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 4 – 4,5%/năm. Giá trị sản xuất nông, lâm thủy sản tăng 5%/năm, trong đó nông nghiệp 4,84%/năm; lâm nghiệp 4,58%/năm; thủy sản 12,35%/năm. Đến năm 2025, cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 15% cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu nội ngành: Nông nghiệp chiếm 75,87%, lâm nghiệp chiếm 12,49% và thủy sản chiếm 11,65%. Duy trì tỷ lệ che phủ rừng hàng năm trên 50%. Tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên 95%; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác trồng trọt trên 200 triệu đồng/ha, thủy sản 225 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt trên 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%; 40% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hàng hóa qua chế biến đạt trên 30%. Tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa đạt từ 55 % - 60%. Phát triển nông nghiệp phù hợp với quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kế thừa các quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu của tỉnh đã ban hành; gắn liền với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, chú trọng đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm./.