Trong giai đoạn 2020-2023, việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt đã đạt được một số kết quả cụ thể: Đã đưa vào vận hành phần mềm quản lý sâu bệnh hại trên cây trồng tại địa chỉ https://quanlysaubenhhoabinh.com/public/index và phần mềm bản đồ thổ nhưỡng và phân tích thích nghi đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tại địa chỉ https://datnongnghiep.hoabinh.gov.vn/public/bando. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt, nâng cao hiệu quả sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ngành nông nghiệp đang triển khai thực hiện cấp và quản lý mã số vùng trồng (MSVT) trên hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý MSVT quốc gia. Đến nay, đã cấp và quản lý 30 mã số vùng trồng (trong đó 21 MSVT phục vụ xuất khẩu với tổng diện tích canh tác là 321,73 ha, có 12 mã số trên cây bưởi, 03 mã số trên cây nhãn, 04 mã số trên cây chuối và 02 mã số trên cây thanh long; 09 MSVT cho các sản phẩm trồng trọt trên địa bàn tỉnh với diện tích 80,9ha). Trong thời gian tới đẩy mạnh cấp và quản lý mã số vùng trồng trên các diện tích sản xuất trồng trọt thực hiện theo Quyết định 2433/QĐ-UBND ngày 26/10/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình.
Đã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ tự động trong sản xuất. Sử dụng các giống ngô biến đổi gen như NK4300 Bt/Gt, DK6919S, DK9955S, NK7328 Bt/Gt... nhằm tăng năng suất và hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu tại các vùng trồng ngô trọng điểm cẩu tỉnh, quy mô sử dụng khoảng 5.000 ha. Triển khai nhân rộng sử dụng các giống lúa có khả năng kháng bệnh tốt được chọn tạo bằng phương pháp lai backcross như BC15 kháng đạo ôn, TBR225 kháng bạc lá vào sản xuất đại trà tại địa phương với quy mô diện tích gieo trồng áp dụng trên 10.000 ha. Nhiều chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học qua quá trình nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi như NPV, V-Bt, Tricodecma... để trừ sâu bệnh hại trong sản xuất trồng trọt. Ứng dụng sản phẩm được tạo ra từ công nghệ Nano (Nano Đồng, nano Bạc, nano Chitosan) trong phòng trừ bệnh hại cây trồng. Diện tích áp dụng trên địa bàn tỉnh đạt trên 1.000 ha/năm.
Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô vi ghép đỉnh sinh trưởng tạo cây có múi sạch bệnh và nhân giống trong nhà lưới 3 cấp ngăn chặn các dịch hại nguy hiểm, sản xuất giống phục vụ nhu cầu giống thực hiện Đề án tái canh cây có múi tỉnh Hòa Bình. Nhân rộng vào sử dụng đại trà giống mía nuôi cấy mô thay thế giống mía cũ đã bị thoái hóa tại địa phương, cho năng suất và chất lượng mía cao hơn. Diện tích áp dụng trên 400 ha. Ứng dụng máy bay không người lái, định vị GPS để phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ dịch hại cây trồng. Bước đầu áp dụng cho diện tích gần 1.000 ha lúa và 50 ha sắn. Một số mô hình sản xuất trong nhà màng ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ cao, ứng dụng tưới tự động, sử dụng cảm biến quản lý sức khỏe cây trồng tại tỉnh Hòa Bình: Công ty TNHH SkyFarm (Lương Sơn) quy mô 0,8 ha sản xuất cà chua; Công ty CP đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Trường Thịnh (Lạc Thủy) quy mô 1,1 ha sản xuất dưa lưới, dưa chuột; Công ty CP nông trại hữu cơ Việt Nam (Lạc Thủy) quy mô 1,0 ha sản xuất dưa vàng, dưa chuột. Thực hiện rà soát, quy hoạch 24 vùng và khu sản xuất trồng trọt ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại 11 huyện, thành phố với tổng diện tích 2.956,72 ha.
Sau khi chính phủ phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hòa Bình đã sớm ban hành Quy hoạch tổng thể vùng và khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các vùng và khu sản xuất trồng trọt tập trung đã được các huyện, thành phố rà soát, điều tra, đánh giá cụ thể và có sự thống nhất về phương án tổ chức thực hiện với cơ sở. Đến nay, các vùng sản xuất, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp...ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng về số lượng và quy mô; tuy nhiên cùng còn nhiều hạn chế như: Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, các mô hình, dự án đòi hỏi phải được triển khai trên quy mô lớn, cùng với đó là việc đầu tư về cơ sở hạ tầng và công nghệ tương xứng. Cơ sở hạ tầng tại các khu sản xuất hiện nay còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng với nhu cầu sản xuất công nghệ cao đặc biệt là hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu chủ động, hệ thống điện lưới phục vụ sản xuất. Kết quả ứng dụng công nghệ cao vào các lĩnh vực sản xuất trồng trọt hiệu quả chưa cao, chưa tìm ra được các sản phẩm công nghệ đặc thù dựa trên thế mạnh địa phương nên sức lan tỏa chưa rộng khắp. Cơ chế chính sách khuyến khích phát triển khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, chất lượng cao còn thiếu đồng bộ, chưa trọng tâm, trọng điểm, khó vận dụng và tổ chức thực hiện trong thực tiễn; cơ chế khuyến khích, hỗ trợ chưa thực sự thu hút hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư. Đội ngũ kỹ thuật chuyên ngành nông nghiệp tại cơ sở còn thiếu, đặc biệt là nguồn nhân lực công nghệ cao chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngân sách của tỉnh còn hạn chế, do vậy các doanh nghiệp và vùng được công nhận theo quyết định số 66/2015/QĐ-TTg ngày 25/12/2015, số 34/2019/QĐ-TTg ngày 18/12/2019 của Thủ tướng chính phủ trên địa bàn tỉnh hiện chưa có.
Từ nay đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2025, cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phổ biến, nhân rộng các kết quả nghiên cứu, ứng dụng, mô hình công nghệ cao trên hệ thống truyền thanh, truyền hình, internet...Đẩy mạnh và triển khai ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt như đẩy mạnh cơ giới hóa, chọn tạo giống chất lượng cao phù hợp với điều kiện sinh thái, ứng dụng công nghệ sinh học...góp phần tự động hóa quá trình sản xuất. Phát triển nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế về ứng dụng, tiếp nhận và làm chủ được mốt số ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả vào sản xuất trồng trọt của địa phương. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái địa phương…/.