DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả gắn với thị trường tiêu thụ

18/07/2023 16:30
Thời gian qua, tỉnh chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, đầu tư quy mô, sản xuất theo chuỗi liên kết, qua đó gia tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích và nâng cao thu nhập cho người dân.
Các HTX đã ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đảm bảo sản phẩm chất lượng, hiệu quả.

Lĩnh vực trồng trọt đã được tổ chức sản xuất linh hoạt, thích ứng với thời tiết, phù hợp với nhu cầu của thị trường; công tác quản lý vùng trồng để xuất khẩu và mở rộng thị trường nông sản được đẩy mạnh. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 117,1 nghìn ha, đạt 100,1% kế hoạch, 100,15% so với cùng kỳ trong đó diện tích cây lương thực có hạt ước đạt 69,3 nghìn ha, đạt 97,6% so với cùng kỳ và 99% kế hoạch, sản lượng ước đạt 36,4 vạn tấn, đạt 99% so cùng kỳ và 98,7% kế hoạch. Các cây hàng năm khác đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cây mía trồng mới ước đạt 7,4 nghìn ha, đạt 112% so với cùng kỳ và 101,3% kế hoạch. Tới nay, diện tích cây ăn quả có múi toàn tỉnh đạt 9,6 nghìn ha trong đó diện tích kinh doanh đạt 8,7 nghìn ha; sản lượng niên vụ 2022-2023 ước đạt 21 vạn tấn. Tại các vùng trồng cam, bưởi tập trung, người dân tích cực đầu tư thâm canh, thực hiện hàng loạt các giải pháp kỹ thuật nhằm cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm phục vụ việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án tái canh cây ăn quả có múi. Cây chuối hiện có trên 1.300ha, thanh long 135 ha, xoài 191 ha, nhãn trên 1.100 ha.

Việc áp dụng cơ giới hóa trong làm đất lúa và cây màu đạt tỷ lệ cao trên 90% trong đó đối với lúa trên 95%; cây màu đạt trên 80%.Tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa tiếp tục tăng đạt trên 60%. Biện pháp tưới chủ động tiên tiến, tiết kiệm nước (tưới phun, tưới nhỏ giọt) kết hợp bổ sung phân bón tiếp tục được phổ biến rộng rãi và tăng nhanh diện áp dụng tại các huyện: Yên Thủy, Lạc Thủy, Cao Phong, Kim Bôi ... đã góp phần tích cực hạn chế tình trạng hạn hán. Cơ cấu cây trồng tiếp tục được chuyển đổi theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường, định hướng chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế. Ước năm 2022 toàn tỉnh chuyển đổi được trên 2.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác. Một số cây trồng được trồng chuyển đổi chủ yếu gồm: Ngô; ớt, chanh leo, bí, dưa và một số cây trồng hàng năm khác. Việc xây dựng một số mô hình liên kết sản xuất, chuỗi giá trị trong sản xuất trồng trọt đang được mở rộng. Các chuỗi liên kết trong sản xuất trồng trọt ngày càng đang dạng và mở rộng quy mô; vùng nguyên liệu mía ăn tươi phục vụ xuất khẩu tại 2 huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn quy mô năm 2023 từ 50 - 100 ha; Liên kết xây dựng vùng nguyên liệu trồng ớt, chanh leo tại huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy quy mô 20-50 ha; chuỗi liên kết sản xuất - xuất khẩu bưởi đỏ tại huyện Tân Lạc, bưởi Diễn tại huyện Yên Thủy, Lương Sơn với quy mô 10ha - 50 ha/chuỗi... 

Chăn nuôi chuyển dịch tích cực theo hướng đảm bảo an toàn dịch bệnh. Chăn nuôi của tỉnh đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phù hợp với quy hoạch chăn nuôi và quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Chất lượng đàn giống trong trang trại đã được cải thiện về năng suất chất lượng, công tác quản lý giống lợn trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện; công tác bảo tồn và phát triển giống lợn, gia cầm bản địa được chú trọng quan tâm. Hiện tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh đạt trên 10 triệu con, gia cầm 9,3 triệu con. Dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh vẫn được kiểm soát tốt. Hỗ trợ phát triển các trang trại, vùng chăn nuôi đáp ứng tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh. Quản lý chặt chẽ theo quy định việc sản xuất, buôn bán thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y đặc biệt là vắc xin.

Lĩnh vực Thủy sản được phát triển đồng bộ, bền vững toàn diện cả khai thác và nuôi trồng với bảo vệ và phục hồi nguồn lợi thủy sản, duy trì tăng trưởng và chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao, phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Các địa phương đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng trên các thủy vực lớn, nuôi thủy đặc sản trên diện tích ao hồ theo định hướng cơ cấu lại ngành thủy sản. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản bao gồm nuôi ao hồ nhỏ, nuôi cá ruộng, nuôi cá hồ chứa là 2.700 ha. Số lồng nuôi cá là 4,9 nghìn lồng nuôi, một số loài cá có giá trị kinh tế cao được các hộ nuôi lồng đưa vào nuôi. Sản lượng thủy sản thu hoạch đạt ước đạt 12.170 tấn trong đó sản lượng khai thác ước đạt 2.020 tấn, sản lượng nuôi ước đạt 10.150 tấn. Hiện nay ngoài sản phẩm thủy sản tươi sống, còn có các mặt hàng thủy sản chế biến: Ruốc (Ruốc cá lăng, ruốc cá trắm đen, ruốc cá rô phi), Cá phi lê (cá rô phi, cá Nheo mỹ, cá Lăng vàng…). Có 05 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP (Ruốc cá Trắm đen, Ruốc cá Rô phi, Ruốc cá lăng, fillet cá rô phi, fillet cá Nheo mỹ). Tình hình dịch bệnh thủy sản ổn định, không xảy ra dịch bệnh. Công tác thanh tra - bảo vệ nguồn lợi thủy sản tiếp tục được tăng cường.

Thực hiện quản lý chặt chẽ diện tích rừng, đất rừng theo đúng quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; tích hợp đầy đủ thông tin về rừng, đất rừng trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm quản lý, bảo vệ chặt chẽ, hiệu quả đối với diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, tránh tình trạng lợi dụng việc chuyển mục đích sử dụng rừng để phá rừng trái pháp luật…. Tới nay, tỉnh duy trì độ che phủ của rừng ổn định 51,5%; khai thác ước đạt 630 nghìn m3 gỗ; trồng rừng ước đạt 8,3 nghìn ha và 1,3 triệu cây phân tán; bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có trên địa bàn toàn tỉnh.

Công tác quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã có nhiều chuyển biến tích cực, chủ động, linh hoạt trong sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực cho người sản xuất. Đến nay đã hỗ trợ chứng nhận VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ cho 147 cơ sở (Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Nhóm, hộ sản xuất) trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, gồm: 82 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP với quy mô 2121,41 ha (rau, quả các loại), 07 cơ sở chứng nhận GlobalGAP với quy mô 124,4 ha (Nhãn, bưởi, thanh long, rau các loại); 10 cơ sở chứng nhận theo tiêu chuẩn  hữu cơ trong trồng trọt với quy mô 60,74 ha; 15 cơ sở nuôi trồng thủy sản, với quy mô 1.965 lồng; 27 cơ sở chăn nuôi (gà, lợn, bò, dê) với quy mô 1.573 tấn sản phẩm/năm; 06 cơ sở nuôi ong với quy mô 4.748 đàn./.