DetailController

Kinh tế

Phát triển nông nghiệp gắn với mục tiêu đưa du lịch thành nền kinh tế mũi nhọn

23/06/2022 00:00
Những năm gần đây, nhiều mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm đã được phát triển trên địa bàn tỉnh. Xây dựng nông nghiệp xanh, bền vững được xác định là mục tiêu phát triển của nền kinh tế; cùng với đó việc phát triển và xây dựng nông thôn xanh - sạch – đẹp góp phần không nhỏ để đưa du lịch thành nền kinh tế mũi nhọn.
Du lịch trải nghiệm thực tế tại xóm Lũy Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc

Thời gian qua, công tác trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch để tạo ra các sản phẩm phục vụ khách du lịch được tăng cường đẩy mạnh; đặc biệt là để hỗ trợ cho ngành du lịch phục hồi, kích cầu sau thời gian dài bị ảnh hưởng, thiệt hại do đại dịch Covid-19. Công tác chăm sóc, khoanh nuôi và bảo vệ rừng luôn được quan tâm; tỷ lệ độ che phủ rừng duy trì ổn định 51,5%, góp phần đảm bảo môi trường sinh thái phục vụ du lịch, nhất là du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, công tác giữ rừng cũng đặc biệt được quan tâm nhằm giữ gìn những khu bảo tồn thiên nhiên, vùng rừng nguyên sinh, những cánh rừng xanh phục vụ cho du lịch sinh thái. Hiện toàn tỉnh đang thực hiện quản lý bảo vệ tốt trên 141 nghìn ha rừng tự nhiên, 03 khu BTTN gồm: Khu BTTN Ngọc Sơn – Ngổ Luông, Khu BTTN Thượng Tiến, Khu BTTN Phu Canh. Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được tăng cường, từ đầu năm tới nay xảy ra 03 vụ cháy rừng không gây thiệt hại về người và của. Để tạo nguồn sản phẩm sạch thiết thực góp phần phục vụ khách du lịch của địa phương, ngành Nông nghiệp đã tập trung xây dựng các vùng rau, quả an toàn, chăn nuôi khép kín trên địa bàn. Đến nay đã chứng nhận ATTP, GAP, Hữu cơ cho 3.525 ha sản phẩm quả các loại, 561 ha sản phẩm rau các loại; chứng nhận  ATTP, GAP cho 1.945 lồng cá, 22 cơ sở chăn nuôi.

Cơ sở vật chất nông thôn ngày càng được nâng cấp góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng các khu du lịch tại địa phương với các hình thức dịch vụ du lịch đa dạng như: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du dịch trải nghiệm nông trại, làng nghề… Tới nay toàn tỉnh đã có 65/129 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí nông thôn (chiếm 50,4% số xã trên địa bàn tỉnh); 3 huyện/thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao với 60 khu dân cư kiểu mẫu, 170 vườn mẫu góp phần tạo nét đặc trưng riêng cho khu vực nông thôn của tỉnh và phát triển du lịch cộng đồng. Toàn tỉnh có 11 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận, trong đó có 7 làng nghề truyền thống, 4 làng nghề. Các làng nghề luôn là điểm đến hấp dẫn với khách du lịch ưa thích khám phá, trải nghiệm; sản phẩm của các làng nghề được yêu thích và tín nhiệm của du khách góp phần quảng bá hiệu quả cho du lịch địa phương, tiêu thụ hàng hóa. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển du lịch, tới nay toàn tỉnh đã có 100 sản phẩm của 81 chủ thể (54 hợp tác xã, 12 doanh nghiệp, 1 tổ hợp tác, 2 cơ sở sản xuất và 12 hộ có đăng ký kinh doanh) đã được UBND tỉnh công nhận đạt sản phẩm OCOP từ “3 sao” trở lên (trong đó có 22 sản phẩm 4 sao và 78 sản phẩm 3 sao). So sánh trên toàn quốc, tỉnh Hòa Bình có 4 sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng và bán hàng từ 3 sao trở lên cao nhất, cụ thể: Du lịch homestay Bản Lác, xã Chiềng Châu; du lịch cộng đồng Hang Kia, huyện Mai Châu và du lịch cộng đồng Đá Bia, xóm Đức Phong, xã Tiền Phong đạt 4 sao. Du lịch cộng đồng xóm Lũy Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc đạt 3 sao).

Tuy nhiên, để phát triển những tiềm năng, lợi thế trong du lịch nông nghiệp, các địa phương cần chú trọng tới công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch khu vực nông thôn; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là xây dựng các vườn kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, xã NTM nâng cao; xây dựng nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu. Chú trọng giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển nông nghiệp gắn với kinh tế du lịch bền vững, hiệu quả và nâng cao chất lượng đời sống người dân./.