Thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp trên các lĩnh vực gắn với thị trường, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thời gian qua ngành nông nghiệp đã triển khai ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; phát huy lợi thế của mỗi tiểu vùng để tiếp tục phát triển các vùng chuyên canh tập trung. Tiêu biểu một số sản phẩm như: Lúa gạo, bước đầu đã hình thành các chuỗi kiên kết sản xuất lúa gạo (chuối sản xuất gạo J02 tại Đà Bắc) , góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Đã ứng dụng công nghệ cao trong phòng trừ sâu bệnh hại trên cây lúa góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ sức khỏe nông dân và giảm ô nhiễm môi trường sinh thái. Đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo như: chuỗi sản xuất gạo J02 tại Đà Bắc; chuỗi sản xuất gạo BC15 tại huyện Mai Châu; chuỗi sản xuất gạo theo hướng hữu cơ tại huyện Lương Sơn; tăng cường chứng nhận sở hữu trí tuệ cho các thương hiệu lúa gạo, các vùng sản xuất lúa đặc trưng của mỗi địa phương (Đà Bắc, Mai Châu, TP Hòa Bình....), cho thu nhập tăng 1,3 lần so với hình thức canh tác truyền thống.
Diện tích cây ăn quả có múi toàn tỉnh hiện khoảng 10,24 nghìn ha trong đó diện tích kinh doanh đạt 9,17 nghìn ha; sản lượng ước đạt 21 vạn tấn. Diện tích được chứng nhận ATTP, VietGAP, hữu cơ đến nay khoảng 1.700 ha chiếm khoảng 20% diện tích cây có múi toàn tỉnh, giá trị thu nhập bình quân ước đạt 330-350 triệu đồng/ha/năm.
Diện tích gieo trồng rau ổn định khoảng 14 ngàn ha/năm, năng suất 152-156 tạ/ha, sản lượng hảng năm trên 22 vạn tấn/năm, giá trị thu nhập từ 180-200 triệu/ha/năm. Một số địa phương đã hình thành vùng sản xuất tập trung, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm như: vùng sản xuất Bí xanh, bí đỏ, dưa hấu, dưa chuột, lặc lày,...tại các huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Yên Thủy; sản xuất rau hữu cơ huyện Lương sơn, vùng rau susu huyện Mai Châu, Tân Lạc; sản xuất tỏi tía huyện Mai Châu. Diện tích đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ.... với diện tích 310ha
Đàn gia súc, gia cầm phát triển về số lượng và nâng cao về chất lượng. Hiện có 41 trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn hậu bị và lợn thịt quy mô từ 300-3.000 con với tổng số 20.700 con lợn nái; có 03 trang trại chăn nuôi bò của Công ty T&T 159 quy mô 500-7000 con bò thịt và bò cái sinh sản, số con xuất chuồng là 12.750 con/năm, với sản lượng thịt hơi 7.018 tấn; có 71 trang trại chăn nuôi gia cầm; 07 trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm quy mô 5.000-70.000 con sản xuất được hơn 24 triệu quả trứng/năm; 05 cơ sở chăn nuôi gà giống quy mô từ 10.000-170.000 con, cung cấp khoảng 25 triệu con gà giống/năm và 16,8 triệu quả trứng giống/năm). Nhìn chung phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, nâng cao năng suất chất lượng, giá trị gia tăng có lợi thế của từng địa phương gắn với kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; cơ bản đã tổ chức thực hiện phát triển chăn nuôi đúng theo quy hoạch, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp.
Hiện có có 2,7 nghìn ha nuôi trồng thủy sản, có 4,89 nghìn lồng nuôi cá trên hồ thủy điện Hòa Bình; sản lượng nuôi trồng thủy sản hàng năm đạt trên 12 nghìn tấn. Giá trị sản phẩm trung bình trên diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản (đến năm 2023) bình quân đạt 220 triệu đồng/ha, trong đó nhóm sản phẩm đặc sản (cá lăng, cá bỗng, cá trắm đen...); có 09 sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao trở lên.
Trong 03 năm toàn tỉnh khai thác khoảng 22 nghìn ha rừng, được 1.859 nghìn m3 gỗ, năng suất rừng trồng bình quân trên địa bàn đạt khoảng 85 m3/ha tăng đáng kể so với giai đoạn trước đây (khoảng 70 m3/ha); sản phẩm khai thác chủ yếu là gỗ nhỏ. Hiện có 158 (gồm 43 doanh nghiệp và 115 hộ gia đình) cơ sở sản xuất chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ quy mô vừa và nhỏ. Trong đó có 01 nhà máy sản xuất ván MDF công suất thiết kế 54 nghìn m3 ván MDF và 2 nghìn m3 ván ghép thanh mỗi năm, tạo điều kiện thuận lợi phát triển vùng nguyên liệu, gắn trồng rừng, bảo vệ rừng với khai thác - chế biến.
Bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất các sản phẩm chủ lực thì hoạt động sơ chế, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm cũng được chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng và tăng giá trị của nông sản trên địa bàn. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 618 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản, với sản lượng trung bình đạt 20.979,47 tấn đạt 7,14% so với tổng sản lượng sản phẩm nông lâm thủy sản trên toàn tỉnh là 293.732 tấn. Tỉnh cũng đã chú trọng tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông, lâm sản của tỉnh tại các tỉnh, thành phố, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị,...; do đó nhiều mặt hàng có thế mạnh của tỉnh Hòa Bình đã vào được hệ thống các siêu thị, Trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội như: Big C, Hapro Mart, T Mart, Winmart, Qmart, Coop Mark, Lotte; Fivimart, Biggreen, Sói Biển... Giới thiệu và kết nối cho 66 lượt doanh nghiệp/HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại nông sản, trong đó kết nối và giới thiệu 02 doanh nghiệp tham gia Hội chợ Quốc tế về Thực phẩm và Đồ uống Fine Food Australia 2022 tại Australia; 03 doanh nghiệp/HTX tham gia 04 gian hàng tại "Chương trình Tự hào Nông sản Việt" diễn ra trên phố đi bộ Hồ Gươm, phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội và Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội tại Trung tâm Thương mại AEON MALL Hà Đông, địa chỉ: Phường Dương Nội, quận Hà Đông.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, tỉnh đã tập trung xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, xây dựng điểm tập trung xử lý rác thải tại xã, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn (bồn hoa cây xanh, vỉa hè, chỉnh trang khu trung tâm, điện chiếu sáng đường trục chính, các hạng mục vệ sinh môi trường nông thôn), vừa góp phần hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, đồng thời đưa nông thôn Hòa Bình ngày càng khang trang, sạch đẹp. Đến nay toàn tỉnh có 73/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới; Số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 28 xã; Số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là 01 xã; Có 60 Khu dân cư kiểu mẫu, 174 vườn mẫu; 03 đơn vị cấp huyện hoàn thành, đạt chuẩn nông thôn mới: Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018, huyện Lương Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, huyện Lạc Thủy đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Dự kiến đến hết năm 2023 có thêm 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 79 xã; đạt được 82,1% tổng số xã (23/28 xã) đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được giao theo Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ (thêm 28 xã để đạt 65% tổng số xã-84/129 xã) và đạt được 65,7% tổng số xã (23/35 xã) đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo Kế hoạch của tỉnh đề ra (thêm 35 xã để đạt 70% tổng số xã-91/129 xã).
Bên cạnh đó, hiện toàn tỉnh có 114 sản phẩm với 22 sản phẩm đạt hạng 4 sao; có 92 sản phẩm đạt hạng 3 tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm đặc thù, thế mạnh của tỉnh được các khách hàng trong nước và quốc tế tin dùng như: Cam Cao phong, Bưởi đỏ Tân Lạc, Cá sông Đà, sản phẩm chế biến từ măng nứa, măng bát độ...; nhóm dược liệu như cao cà gai leo, cao xạ đen... sản phẩm từ thổ cẩm đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Hòa Bình, nhiều sản phẩm đã xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu…, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn. Năm 2023, cả tỉnh có trên 50 sản phẩm đăng ký tham gia chu trình OCOP (kế hoạch năm 2023 là tối thiểu có 16 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên).