Mục tiêu chung nhằm xây dựng đội ngũ làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt, chuyên môn phù hợp, thành thạo kỹ năng nghề nghiệp, có cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Hòa Bình.
Phấn đấu tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với công tác xây dựng pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
Xây dựng cơ chế, chính sách về thu hút, trọng dụng người có tài năng, tạo cơ sở để thu hút người có tài năng làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật.
Đến năm 2027, bảo đảm ít nhất 70% và đến hết năm 2030, phấn đấu đạt 100% Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật của địa phương.
Đến hết năm 2030, phấn đấu đạt 100% cán bộ, công chức làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật được bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức, kỹ năng xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Đến năm 2027, trên cơ sở biên chế được giao, bảo đảm có 02 công chức và đến hết năm 2030 có 03 công chức có đủ kiến thức, năng lực vượt trội và kinh nghiệm để trở thành lực lượng nòng cốt bồi dưỡng, dẫn dắt, phát triển nguồn nhân lực tham mưu xây dựng pháp luật tại địa phương.
UBND tỉnh yêu cầu: Việc triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch phải đảm bảo kịp thời, đồng bộ, toàn diện theo đúng yêu cầu, bám sát tinh thần, nội dung Quyết định số 916/QĐ-TTg và tình hình thực tiễn của địa phương. Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động triển khai thực hiện, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phân công; nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp; bảo đảm chất lượng, tiến độ và hiệu quả./.