Đặc biệt sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 04/7/2008 "về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới", Thông báo kết luận của Ban Bí thư về 05 năm thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW, ngày 04/7/2008 của "về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới"; mạng lưới Đông y trên địa bàn tỉnh tiếp tục được củng cố kiện toàn, góp phần đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.
Đến nay, hệ thống khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền từ tuyến tỉnh đến cơ sở cơ bản hoàn thiện. Tuyến tỉnh gồm Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh: Là bệnh viện chuyên khoa y học cổ truyền duy nhất trên địa bàn tỉnh, là bệnh viện hạng II. Có tổng số 80 giường bệnh kế hoạch, 200 giường bệnh thực kê. Bệnh viện đa khoa tỉnh có khoa y học cổ truyền 15 giường bệnh kế hoạch, 36 giường bệnh thực kê. Tuyến huyện 100% các Trung tâm y tế thành lập khoa Y học cổ truyền - phục hồi chức năng. Tuyến xã có 139/151 Trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, chiếm 92%; thiết lập hệ thống mạng lưới quản lý y dược cổ truyền. Mô hình quản lý y dược cổ truyền tại Sở Y tế: Có 01 chuyên viên bán chuyên trách, trình độ Thạc sỹ quản lý chung về y dược cổ truyền. Mô hình quản lý y dược cổ truyền tại tuyến huyện: 10/10 Trung tâm Y tế tuyến huyện, thành phố có cán bộ là bán chuyên trách quản lý về y dược cổ truyền. Trong đó có: 04 Bác sỹ chuyên khoa I y học cổ truyền và 6 Bác sỹ y học cổ truyền quản lý y dược cổ truyền.
Trong những năm qua, các cơ sở y tế đã đầu tư mua sắm các trang thiết bị y tế, máy móc hiện đại để phục vụ tốt hơn công tác khám, chữa bệnh và điều trị cho bệnh nhân bằng y học cổ truyền và phục hồi chức năng (y học cổ truyền và phục hồi chức năng). Đối với tuyến tỉnh, bệnh viện chuyên khoa y học cổ truyền tỉnh và khoa y học cổ truyền thuộc bệnh viện đa khoa tỉnh có cơ sở vật chất khang trang, được trang bị đầy đủ các trang thiết bị y tế (máy XQ, siêu âm, nội soi, xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm nước tiểu, máy huyết học, máy điện châm, máy xông hơi...), các loại vật tư y tế tiêu hao, các loại hóa chất, thuốc (vị thuốc y học cổ truyền, thuốc tân dược, chế phẩm y học cổ truyền) đảm bảo công tác khám và điều trị bằng y học cổ truyền phối hợp với y học hiện đại trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Tuyến huyện có 10/10 Trung tâm y tế và bệnh viện có khoa hoặc liên chuyên khoa y học cổ truyền, có sở khang trang, trang bị đầy đủ các trang thiết bị y tế, các loại vật tư y tế tiêu hao, các loại hóa chất, thuốc. Điển hình như Trung tâm y tế huyện Đà Bắc có: Máy kéo giãn cột sống (phục hồi chức năng), Máy điện xung điều trị 2 kênh, Máy Siêu âm điều trị, Máy sắc thuốc, Máy đóng gói thuốc Y học cổ truyền. Tuyến cơ sở có 52/151 trạm y tế xã/phường, thị trấn được trang bị các trang thiết bị như máy điện châm, kim châm cứu,... để được phép hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại tại cơ sở. Số trạm y tế có khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại được thanh toán bảo hiểm y tế là 139/151.
Ngoài ra, toàn tỉnh có 57 cơ sở hành nghề y dược học cổ truyền tư nhân được cấp phép hoạt động trong đó có 06 phòng khám đa khoa tư nhân kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; 28 phòng chẩn trị y học cổ truyền; 23 cơ sở chữa bệnh bằng bài thuốc gia truyền; 03 cơ sở dịch vụ y học cổ truyền; 14 doanh nghiệp dược tham gia cung ứng thuốc thành phẩm y học cổ truyền hoặc vị thuốc y học cổ truyền phục vụ nhu cầu thuốc đông y, thuốc từ dược liệu trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Trong đó, Phòng khám đa khoa SePenTrung Tây Bắc, thuộc Công ty cổ phần y dược học cổ truyền của lương y Đinh Thị Phiển và Phòng khám đa khoa Thái Bình thuộc Công ty cổ phần y dược học dân tộc Hòa Bình là 02 cơ sở tư nhân đầu tiên trong tỉnh thực hiện chế độ khám chữa bệnh cho các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, đây cũng là những cơ sở đã nghiên cứu thành công nhiều loại thực phẩm chức năng, chè thanh nhiệt, thuốc viên nén, thuốc bột, thuốc nước, cao đơn hoàn tán... có tác dụng tốt trong việc chữa bệnh và hỗ trợ điều trị một số bệnh nan y./.