DetailController

Thể thao

Phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục, thể thao quần chúng

26/10/2020 00:00
Thời gian qua, phong trào tập luyện thể dục thể thao (TDTT) quần chúng trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú mở rộng tới hầu hết các đối tượng, địa bàn, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tập luyện.
Bóng chuyền là môn thể thao quần chúng được phổ biến rộng rãi nhất trên địa bàn tỉnh

Năm 2011 số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 25% dân số, số hộ gia đình thể thao đạt 17% trên toàn tỉnh, có 505 câu lạc bộ cơ sở được duy trì hoạt động thường xuyên. Đến hết năm 2019, số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 32,2% dân số, số hộ gia đình thể thao đạt 24,5% trên toàn tỉnh, có 805 câu lạc bộ cơ sở được duy trì hoạt động thường xuyên, trong đó có 270 câu lạc bộ Bóng chuyền, 165 câu lạc bộ Cầu lông, 27 câu lạc bộ Quần vợt và các câu lạc bộ Xe đạp, Golf, Cờ tướng, Cờ vua, Bóng đá...Phong trào thể thao quần chúng luôn được quan tâm đầu tư, phát triển đồng đều rộng khắp, đặc biệt là TDTT trong đồng bào dân tộc thiểu số, các môn thể thao dân tộc có tính truyền thống được duy trì phát triển mạnh mẽ, gặt hái được nhiều thành tích cao ở các Ngày hội Văn hóa, Thể thao khu vực Tây Bắc và Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc khu vực I, đoàn thể thao Hòa Bình luôn xếp ở vị trí nhất, nhì, ba toàn đoàn.
Cơ sở hạ tầng thể thao được tỉnh quan tâm đầu tư theo mục tiêu Chương trình đã đề ra; nhà thi đấu TDTT tỉnh được sửa chữa và nâng cấp năm 2013 phục vụ Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XII với tổng số tiền đầu tư là 5,6 tỷ đồng, phục vụ đăng cai các giải như: Giải vô địch Đẩy gậy toàn quốc, giải vô địch Kéo co toàn quốc, giải Bóng chuyền trẻ Cúp các câu lạc bộ toàn quốc năm 2015; Đầu tư sửa chữa, nâng cấp sân vận động và cải tạo đường Piste các năm như: Năm 2012 với tổng số tiền đầu tư trên 19,4 tỷ đồng; năm 2016 với tổng số tiền đầu tư trên 4,4 tỷ đồng; năm 2018 và 2019 với tổng số tiền đầu tư 6 tỷ đồng. Các công trình TDTT của các huyện, thành phố từng bước được hoàn thiện đáp ứng một phần nhu cầu tập luyện và tổ chức các hoạt động TDTT của các địa phương. Hiện nay toàn tỉnh có 13 sân vận động (trong đó có 11 sân vận động có khán đài), 44 nhà tập luyện thi đấu thể thao đa năng, 01 bể bơi dài 50m, 52 bể bơi các loại, 230 sân bóng đá mini, 1402 sân bóng chuyền, 399 sân cầu lông, 51 sân quần vợt. Các công trình TDTT của các huyện, thành phố từng bước được hoàn thiện đáp ứng một phần nhu cầu tập luyện và tổ chức các hoạt động TDTT của các địa phương.
Công tác xã hội hóa TDTT được đẩy mạnh trên tinh thần Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường. Việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động TDTT đã thúc đẩy phong trào thể dục thể thao phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhiều cơ sở kinh doanh thể thao được đầu tư thành lập, hằng năm trích nộp ngân sách tỉnh gần 100 tỷ đồng, điển hình như cơ sở kinh doanh thể thao Sân Golf Phượng Hoàng huyện Lương Sơn, Sân Golf Trung Minh thành phố Hòa Bình...Đến nay tỉnh Hòa Bình có 02 Liên đoàn được thành lập như: Liên đoàn Quần vợt tỉnh Hòa Bình được thành lập năm 2007, Liên đoàn Kartedo được thành lập năm 2017, các Liên đoàn thể thao hoạt động hiệu quả, đã góp phần vào sự phát triển chung của phong trào TDTT của tỉnh. 
Hằng năm, phát động tổ chức thành công giải thể thao xã hội hóa như: Giải Bơi vượt sông truyền thống Cúp Truyền hình Hòa Bình; giải Việt dã truyền thống Cúp Báo Hoà Bình; giải Bóng bàn, Cầu lông, Bóng đá Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh; giải Bóng bàn, Cầu lông, Bóng chuyền Liên đoàn lao động tỉnh; giải Bóng chuyền truyền thống Nông dân - Phụ nữ tỉnh và nhiều giải xã hội hóa khác….phối hợp với Tổng cục TDTT, Liên đoàn Mô tô - Xe đạp, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đăng cai tổ chức thành công từ 2 - 3 giải thể thao thành tích cao vô địch quốc gia; mở các lớp tập huấn bồi dưỡng công tác trọng tài, tập luyện cho cán bộ các ngành về nghiệp vụ TDTT. 
Bên cạnh đó, đối với các đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật, công chức, viên chức và người lao động, phong trào TDTT được phát động thường xuyên. Nhiều cơ quan, đơn vị đã chú trọng xây dựng sân chơi thể thao tạo điều kiện thuận lợi để công chức, viên chức, người lao động tập luyện; đồng thời thành lập các câu lạc bộ thể thao duy trì hoạt động thường xuyên thu hút đông đảo công chức, viên chức, người lao động tham gia. Các cấp công đoàn đã tích cực vận động công chức, viên chức, người lao động luyện tập thể thao tạo thành phong trào sôi nổi, duy trì và phát triển rộng khắp. Công đoàn đã chủ động phối hợp với chuyên môn, người sử dụng lao động đầu tư xây dựng sân thể thao và tạo điều kiện về thời gian, kinh phí cho công nhân, viên chức, lao động tổ chức các hoạt động ngay tại cơ sở. Phong trào tập luyện TDTT trong người cao tuổi cũng lên cao. Tại các Hội thao, Hội thi Người cao tuổi toàn quốc, khu vực, đoàn vận động viên Hội Người cao tuổi tỉnh ta đã giành được những thành tích đáng biểu dương. Bên cạnh đó, hoạt động TDTT trong lực lượng vũ trang được phát triển mở rộng về quy mô, chất lượng ngày càng cao. Việc tổ chức các hoạt động TDTT của lực lượng vũ trang được quan tâm, đã trở thành hoạt động thường xuyên đi vào nề nếp và được kiểm tra định kỳ theo kế hoạch và chỉ lệnh huấn luyện, bảo đảm cho các cán bộ chiến sĩ có thể lực tốt, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự quốc phòng địa phương./.