Các Sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện đã phối hợp chặt chẽ tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các Nghị quyết, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các Quyết định, kế hoạch và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đặc biệt là việc phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch số 199/KH-UBND ngày 07/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hoà Bình về lãnh đạo phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tiếp tục triển khai các chương trình, dự án, chính sách đã và đang còn hiệu lực có tác động, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh nhà, góp phần vào việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, cơ quan chuyên môn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên nắm bắt tình hình, nắm chắc tâm tư nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện để công tác dân tộc và triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh đúng pháp luật; lắng nghe, tiếp thu, phát hiện và giải quyết kịp thời những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tạo ra không khí cởi mở, dân chủ, đoàn kết giữa đồng bào dân tộc thiểu số và cộng đồng dân cư.
Từ các nguồn lực được lồng ghép để đầu tư, hỗ trợ cho các lĩnh vực an sinh xã hội, giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh; các dự án, chính sách, Chương trình được thực hiện đồng bộ đã tạo được sự hỗ trợ đa dạng, tích cực, có tác động tổng hợp đa chiều đến đời sống Nhân dân trên địa bàn. Cấp uỷ, chính quyền các cấp phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, huyện, xã luôn quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo sát sao, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình, chính sách trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương đảm bảo thuận lợi, phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh thực hiện xây dựng các giải pháp, bố trí và huy động nguồn lực, tạo cơ chế ưu tiên vốn đầu tư cho các địa bàn còn khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các chương trình, chính sách đã huy động sức mạnh và sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, các cá nhân và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Hiệu quả từ các chương trình, dự án, chính sách đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã phát huy trong công tác xoá đói giảm nghèo, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào được nâng cao, tư duy sản xuất thay đổi, người dân phát triển kinh tế được tham gia vào trong quá trình lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch và kiểm tra, giám sát cũng như quản lý và sử dụng những kết quả từ nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ. Từ đó, đã góp phần tỷ lệ hộ toàn tỉnh nghèo giảm từ 15,49% năm 2021 xuống còn 12,29% vào năm 2022 và giảm xuống còn 9,79% vào năm 2023, giảm bình quân mỗi năm là 3,14%, trong đó giai đoạn 2021-2023 tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giảm bình quân 2,93%/năm, tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 6,39%/năm. Đến hết năm 2023 toàn tỉnh có thêm 24 xã về đích nông thôn mới, nâng tổng số xã hoàn thành nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là 80/129 xã, đạt khoảng 62% tổng số xã; số tiêu chí nông thôn mới trung bình trên một xã đạt 16,2 tiêu chí. Trong giai đoạn 2021-2023 đã có 14 xã khu vực III thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn đồng thời hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh.
Một số chỉ tiêu cụ thể như sau: GRDP bình quân đầu người ước đạt 69,09 triệu đồng/người; Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp ước còn khoảng 53%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 60,6%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ ước đạt 24,5%; Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ước đạt 60%; Số giường bệnh/1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) ước đạt 29,04 giường, đạt kế hoạch đề ra. Số bác sỹ/1 vạn dân ước đạt 9,47 bác sỹ; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ước đạt 92%. 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đều có trạm y tế kiên cố, có nhân viên y tế hoạt động, trực 24/24h. Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông là 100%; Tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa 95,7%; Đường xã, liên xã (Số km bê tông hóa, nhựa hóa 1.100,68/1.176,53km) đạt tỷ lệ 93,55%; Đường trục thôn xóm với tổng tỷ lệ cứng hóa đạt 83,25% (Số km bê tông hóa, nhựa hóa: 2.026,32/2.709km đạt tỷ lệ 74,8%; số km cứng hóa khác: 228,84/2.709 km đạt tỷ lệ 8,45%); Đường ngõ, xóm với tổng tỷ lệ cứng hóa đạt 74,41% (Số km bê tông hóa, nhựa hóa: 1.823,59/2.908,18km đạt tỷ lệ 62,71%; số km cứng hóa khác: 340,27/2.908,18km đạt tỷ lệ 11,7%); Đường trục chính nội đồng với tổng tỷ lệ cứng hóa đạt 52,75% (Số km bê tông hóa, nhựa hóa: 420,04/2.135,3km đạt tỷ lệ 19,67%; số km cứng hóa khác: 706,32/2.135,3km đạt tỷ lệ 33,08%).
Số trẻ em 5 tuổi đến lớp 17.082/17.082 trẻ, đạt tỷ lệ 100%; Số trẻ em 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non 17.082/17.082 trẻ, đạt tỷ lệ 100%; Số trẻ 5 tuổi khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục: 26/40 trẻ, đạt tỷ lệ 65%; Số trẻ 6 tuổi vào lớp 1: 16613/16613 trẻ, đạt tỷ lệ 100%; Số thanh, thiếu niên 15-18 tuổi tốt nghiệp THCS: 46.842/48.109 em, đạt tỷ lệ 97.37%. Số thanh, thiếu niên 15-18 tuổi đang học chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp: 43.116 em đạt tỷ lệ 89.62%.
Trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đã phần nào gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, lao động và sản xuất của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; ảnh hưởng đến các hoạt động, kế hoạch triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án, chính sách dân tộc. Mặc dù kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đã có bước phát triển và đạt được những thành tựu, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn chưa đáp ứng yêu cầu. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh còn bất cập, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội còn yếu, thiếu đồng bộ; kinh tế vùng nông thôn miền núi chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp, sản phẩm mang tính hàng hóa còn ít, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng nguy cơ tái nghèo rất cao, chất lượng nguồn nhân lực thấp, đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập, vẫn còn tồn tại hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định an ninh chính trị….