DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Phát triển kinh tế trang trại, hướng đi cho sản xuất nông nghiệp

29/05/2012 00:00

Xác định việc phát triển kinh tế trang trại là hướng đi hiệu quả để giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu nên thời gian qua tỉnh miền núi Hòa Bình đã có nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng lợi thế của từng địa phương. Với chính sách hợp lý cộng cách làm sáng tạo của người nông dân những vùng đất khó năm nào đang đơm hoa, kết trái cho quả ngọt giúp người dân nơi đây làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Gia đình anh Bùi Văn Hợi thôn Liên Hòa II, xã An Bình, huyện Lạc Thủy làm giàu nhờ kinh tế trang trại

 

Màu xanh trên vùng đất khó
 
Về Hòa Bình hôm nay được tận mắt chứng kiến, nghe kể chuyện mới thấy được những lợi ích của các mô hình kinh tế trang trại mang lại cho bà con nông dân. Nhiều vùng đất trước kia khô cằn sỏi đá hay những ao thùng sản xuất khó khăn nay được thay thế bằng những vườn cây trĩu quả, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Những thành công đó là cả một quá trình dài lao động sản xuất của những người nông dân dám nghĩ, dám làm, đầu tư vốn, công sức, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Các gương nông dân sản xuất giỏi trên địa bàn tỉnh thì có nhiều nhưng có lẽ mô hình làm giàu từ kinh tế trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Tún xã Mông Hoá huyện Kỳ Sơn đã lôi cuốn chúng tôi bằng lời nói thật thà, chất phát của người nông dân miền núi. Sau bảy năm phục vụ trong quân đội, ông xuất ngũ trở về địa phương với thương tật hạng 2/4, kinh tế gia đình khó khăn, các con còn nhỏ, chỉ với hơn 1.000 m2 đất ở và vườn tạp, cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng. Không đầu hàng số phận, ông ra sức học hỏi kinh nghiệm, tìm tòi qua sách vở, quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Sau nhiều đêm trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, ông đã chọn việc phát triển kinh tế theo hướng vườn, ao, chuồng, ruộng kết hợp.
 
Ông Tún tâm sự “Bước vào lĩnh vực phát triển kinh tế theo mô hình trang trại tổng hợp, ban đầu cũng không xuôi chèo mát mái cho lắm, vừa làm nghề, vừa lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm từ thực tiễn. Vốn cũng chưa nhiều nên bản thân phải tự vận động, xoay sở để trang trải”. Sau một thời gian tìm tòi học hỏi cộng với kinh nghiệm cũng như chữ tín trong chất lượng sản phẩm hàng hoá ông đã tích luỹ cho mình cái vốn kha khá để tiếp tục mở rộng sản xuất. Hiện nay, gia đình ông có 360 m2 ao thả cá các loại, khoảng một ha rừng keo, gần 1.000 m2 mía nguyên liệu. Ngoài ra, ông còn chăn nuôi hơn 20 con trâu, bò, 20 con con lợn lái và lợn thịt, 100 con gà, vịt, ngan, ngỗng. Nhờ tích cực lao động, sản xuất với đa dạng hình thức làm kinh tế, hàng năm, gia đình ông Tún cũng có thu nhập bình quân từ 300 - 400 triệu đồng. Với sự cố gắng, nỗ lực và phát triển mô hình kinh tế phù hợp, gia đình ông có cuộc sống khá giả, đến nay đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều phương tiện đắt tiền phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt, đầu tư cho hai người con ăn học đầy đủ, có việc làm ổn định và thành đạt.
 
Gần 20 năm làm nghề sản xuất gạch thủ công ông Phạm Văn Hùng ở khu 1 thị trấn Kỳ Sơn huyện Kỳ Sơn quyết định chuyển sang làm giàu bằng nghề nông. Qua xem ti vi, đọc sách báo ông thấy người tiêu dùng hiện nay rất ưa chuộng các món ăn từ ba ba gai, nhím, chồn. Với những suy nghĩ đó, số tiền bao nhiêu năm dành dụm được từ sản xuất gạch ông đầu tư vào chăn nuôi những loài động vật này. Để có được giống tốt ông cất công về tận Viện chăn nuôi quốc gia mua chồn giống. Trước khi nuôi, ông có tìm hiểu các loài này nuôi không khó. Thời gian đầu ông bán chồn giống, giờ ông đang tính chuyển sang nuôi chồn thương phẩm. Ông cho biết, trong ba loài đang nuôi tại gia đình thì nuôi chồn có nhiều yếu tố thuận lợi hơn hẳn giống nhím và ba ba. Ngoài yếu tố không mất tiền mua thức ăn thì giá thương phẩm cho người ăn cũng hợp lý. Đối với nuôi ba ba thì không phải gia đình nào cũng có điều kiện để ăn. Còn với nhím do con giống to trung bình mỗi con nhím thương phẩm từ 5-7kg. Mỗi gia đình có khách chỉ ăn hết 1-2 kg thì không thể mua cả con hết tiền triệu được. Còn giống chồn thì khác, con thương phẩm to nhất chỉ trên dưới 2kg, giá bán 400.000 đồng/kg thì rất hợp lý với nhiều gia đình. Mặt khác, thịt chồn vốn là giống hoang dã nên rất thơm ngon không có mùi hôi nên nhiều người ăn được. Nuôi chồn trong gia đình có thể tạo được việc làm cho nhiều lứa tuổi tại có thu nhập cao. Riêng việc nuôi chồn thương phẩm của cũng mang lại đôi trăm triệu mỗi năm. Khi nói về bí quyết trong chăn nuôi ông tâm sự: diện tích đất rộng hay hẹp không quan trọng mà mình phải bố trí hợp lý, dám nghĩ, dám làm và đưa tiến bộ khoa học kĩ thuật vào chăn nuôi mới hy vọng thành công. Nhìn trang trại của ông chỉ chừng 2.000 m2 nhưng được ông bố trí xây dựng hợp lý nuôi. Hiện nay, mỗi năm nguồn thu từ việc bán ba ba, nhím, chồn gia đình ông cũng có hơn một tỷ đồng.
 
Hướng tới những vùng chăn nuôi quy mô lớn
 
Nhờ biết phát huy tốt các mô hình kinh tế trang trại nên thời gian gần đây chăn nuôi của tỉnh đang có sự chuyển dịch theo hướng tăng về chất lượng, thông qua việc thúc đẩy và hình thành các vùng chăn nuôi quy mô lớn, sử dụng giống, thức ăn công nghiệp, bảo đảm an toàn dịch bệnh nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Tại các huyện như Lương Sơn, Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy và Lạc sơn đã hình thành các vùng chăn nuôi công nghiệp tập trung. Đối với các địa phương khác tuỳ theo điều kiện và thế mạnh của mình để phát triển các con vật nuôi phù hợp, hướng vào năm loại vật nuôi chủ lực là trâu, bò, dê, lợn và gia cầm. Trên địa bàn tỉnh hiện có chín trang trại lợn công nghiệp với quy mô từ 300 đến 2050 con lợn nái sinh sản, hậu bị và lợn thịt; 54 trang trại chăn nuôi gà thương phẩm với quy mô từ 3.000 đến 10.000con/lứa và khoảng trên 300 gia trại với số lượng nuôi khoảng 250.000 gia súc, gia cầm.
Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có hơn 500 trang trại, trong đó có hơn 200 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện là kinh tế trang trại. kinh tế trang trại đã thu hút gần 2.000 lao động, góp phần giảm áp lực lao động cho các địa phương. Bình quân mỗi trang trại đầu tư từ 200-400 triệu đồng, giá trị sản xuất đạt 250-300 triệu đồng/năm. Loại hình trang trại khá đa dạng, bao gồm trang trại tổng hợp, các trang trại chuyên ngành như trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản. Với các phương thức chăn nuôi như chăn nuôi truyền thống, chăn nuôi bán công nghiệp (gia trại, nông hộ) và chăn nuôi trang trại công nghiệp. Tuy nhiên trang trại trên địa bàn tỉnh chủ yếu là vừa và nhỏ, chưa có các khu, vùng chăn nuôi tập trung lớn. Phần lớn các địa phương chưa có quy hoạch phát triển kinh tế trang trại, không tạo được sự liên kết với định hướng phát triển chung của cả vùng, vì vậy các loại hình trang trại phát triển không bền vững.
 
Để các nhân rộng và phát triển các mô hình kinh tế trang trại, hiện nay tỉnh Hòa Bình đang đẩy mạnh chương trình phối hợp với các ngành chức năng tạo điều kiện giúp đỡ cho các hộ về vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật, vật tư phân bón…cũng như tạo cơ hội thuận lợi để nông dân tiếp cận với “bốn nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) trong việc tổ chức phát triển kinh tế trang trại. Bởi vì việc phát triển kinh tế trang trại không chỉ đơn thuần là xóa đói giảm nghèo mà còn giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại các vùng nông thôn. Hơn nữa, việc phát triển kinh tế trang trại là bước phát triển mới của kinh tế hộ chuyển từ sản xuất tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hoá với quy mô lớn gắn với thị trường. Vì vậy đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn sang sản xuất hàng hoá mũi nhọn, tập trung quy mô lớn. Hơn nữa, việc phát triển kinh tế trang trại chính là tiền đề cho việc phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm và là động lực thúc đẩy các loại hình dịch vụ trên địa bàn cùng phát triển.
 
Kinh tế trang trại đã mang lại hiệu quả kinh tế không chỉ cho các chủ trang trại mà còn đóng góp to lớn vào sự phát triển chăn nuôi và kinh tế nông nghiệp, tăng GDP, góp phần xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm từng vùng ở nông thôn, đáp ứng nhu cầu thực phẩm của thị trường. Chăn nuôi trang trại còn có thêm điều kiện thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi, khống chế dịch bệnh lây lan, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.