Hoạt động khoa học và công nghệ cơ bản bám sát mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các đề tài nghiên cứu khoa học được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, có tính ứng dụng cao. Đến năm 2020, số đề tài khoa học được ứng dụng hiệu quả vào thực tế tăng gấp 2,5 lần so với năm 2015; đây là nền tảng tốt để nâng cao năng lực quản trị sản xuất, kinh doanh, tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Nguồn nhân lực trong tỉnh cũng ngày một tăng về số lượng và chất lượng đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế. Năm 2020, năng suất lao động đạt 99,3 triệu đồng/lao động, gấp 1,65 lần so với năm 2015.
Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Nhận thức của cộng đồng về khoa học, công nghệ còn hạn chế; chất lượng giáo dục có chuyển biến song còn chậm; nguồn nhân lực chất lượng cao còn ít, cơ cấu ngành, nghề đào tạo lao động chưa đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII đã đề ra mục tiêu: Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học,công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh. Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lại để thúc đẩy, phát triển mạnh mẽ kinh tế số. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, Tỷ trọng năng xuất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh là 40%. Mức đầu tư từ ngân sách địa phương và các nguồn lực xã hội cho khoa học và công nghệ tăng dần qua các năm đạt 1% tổng chi tổng chi ngân sách địa phương vào năm 2025; toàn tỉnh có 300 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; xây dựng và mở rộng trường tiểu học trọng điểm, chất lượng cao; tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt từ 80% trở lên. 85% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương….Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, tiến tới 100% các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm; tòan tỉnh có 59% trở lên trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 63%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25%. Đào tạo khoảng 77.500 lao động. Cả tỉnh có 0,2% cán bộ, công chức và 0,2 viên chức có trình độ Tiến sỹ và tương đương; trên 30% cán bộ, công chức và 4,3% viên chức có trình độ thạc sĩ và tương đương; trong đó ít nhất 1% cán bộ, công chức có hoàn thành chương trình đào tạo sau đại học ở nước ngoài.
Giải pháp trọng tâm được đưa ra, trước tiên phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, ban, ngành, nhất là người đứng đầu về vai trò của phát triển khoa học, công nghệ và phát triển nhân lực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và trong thực hiện các mục tiêu phát triển của từng ngành, từng địa phương. Thực hiện đổi mới cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đổi mới giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao./.