Trong tổng số 1.995 công trình, số lượng công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng (công trình có diện tích tưới dưới 20 ha) chiếm đa số (khoảng 80%). Do điều kiện địa hình miền núi tương đối phức tạp, diện tích sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, cao độ địa hình đồng ruộng không đều. Các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh hầu hết chưa được đầu tư xây dựng. Một số công trình được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn lực của nhân dân, song do thiếu kinh phí sửa chữa nâng cấp thường xuyên nên nhiều công trình sau khi được đầu tư đã xuống cấp. Mặt khác, cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp theo phương thức canh tác tiên tiến hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn hạn chế. Đến hết năm 2019 trên toàn tỉnh Hòa Bình có 978 ha cây trồng cạn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm gồm công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa (cây ăn quả có múi 779 ha; rau, quả 76 ha; cây lâu năm 123 ha) đạt 1,1% so với diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Kỹ thuật tưới tiết kiệm nước cho lúa áp dụng hạn chế, không đáng kể. Tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới tiết kiệm nước trên cây lúa và cây trồng cạn đến năm 2020 đạt tỷ lệ 6,5%, tỷ lệ trên là thấp so với quy định tại Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 19/5/2017 ban hành bộ tiêu chí giám sát đánh giá về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đến năm 2020 (Miền núi phía Bắc >=15%)
Các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng phân bố rải rác trên địa bàn tỉnh, yêu cầu kỹ thuật vận hành đơn giản, diện tích tưới liên thôn, xóm trong phạm vi xã. Loại hình quản lý khai thác công trình thủy lợi tại các huyện, thành phố hiện nay vẫn chưa thực sự hiệu quả, năng lực của cán bộ quản lý còn hạn chế về tổ chức quản lý và kỹ thuật, phần lớn chưa được đào tạo do thiếu kinh phí. Bên cạnh cơ sở hạ tầng thủy lợi, vấn đề quản lý, khai thác thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng có vai trò rất quan trọng trong việc phát huy hiệu quả công trình thủy lợi, vì vậy việc củng cố, phát triển các tổ chức thủy lợi cơ sở hoạt động hiệu quả bền vững là thực sự cần thiết.
Với quan điểm phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, tưới tiên tiến là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công trình thủy lợi, phục vụ nhu cầu sử dụng nước đa dạng trong nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; trong đó, người dân, các tổ chức thủy lợi cơ sở (Hợp tác xã, Tổ hợp tác) đóng vai trò chủ đạo trong phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, tưới tiên tiến; Nhà nước có chính sách hỗ trợ thông qua các tổ chức thủy lợi cơ sở, tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế...ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh chủ trương giai đoạn 2021 - 2025 tập trung phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên toàn địa bàn tỉnh.
Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2025 hệ thống công trình thủy lợi toàn tỉnh đảm bảo cấp nước cho trên 50% diện tích gieo trồng cây hàng năm, trong đó chủ động tưới cho diện tích lúa 2 vụ. Diện tích cây trồng cạn được tưới đạt từ 30-35%; Tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa đạt từ 55-60%. Huy động các nguồn lực, sự tham gia của các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng nhằm bảo đảm tưới, tiêu chủ động, bảo đảm lượng nước tưới cho vùng chuyên canh lúa tập trung, vùng chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây trồng cạn đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Sẽ thành lập, củng cố tổ chức thủy lợi cơ sở theo quy định của Luật Thủy lợi, đến năm 2025 có 70% tổ chức thủy lợi cơ sở hoạt động hiệu quả. Đến năm 2025 có 15% diện tích sản xuất nông nghiệp (lúa, cây ăn quả, rau màu, cây dược liệu...), được tưới bằng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, tiết kiệm nước thay thế phương pháp tưới truyền thống nhằm tiết kiệm nước tưới, tiết kiệm phân bón, giảm công chăm sóc, giảm chi phí quản lý vận hành công trình, tăng năng suất cây trồng, tăng chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập của người dân, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, góp phần bảo vệ môi trường.
Giải pháp được đặt ra, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung huy động các nguồn lực xã hội hóa tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới và thích ứng với biến đổi khí hậu. Củng cố, phát triển tổ chức thủy lợi cơ sở; kiện toàn tổ chức thủy lợi cơ sở theo Luật Thủy lợi để quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng hoạt động hiệu quả, bền vững. Tích cực áp dụng khoa học công nghệ trong đầu tư xây dựng công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng./.