Để triển khai thực hiện đạt các mục tiêu, hiệu quả của các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã giao các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức tuyên tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động trong vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở dạy nghề tổ chức triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn. Thực hiện nhiệm vụ được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị tham gia công tác đào tạo nghề thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục nghề, mức chi phí đào tạo và mức hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện; chỉ đạo và đôn đốc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức thực hiện công tác đào tạo nghề theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp. Đến nay, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện được ban hành kịp thời đã góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất từ tỉnh, huyện và đến cơ sở.
Giai đoạn 2021-2024, tỉnh đã dành nguồn kinh phí lớn đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp. Tổng nguồn kinh phí thực hiện Tiểu dự án 3, Dự án 5 là trên 191.000 triệu đồng. Hiện các cơ quan, đơn vị đã được phân bổ trên 98.500 triệu đồng, đạt 51,54% kế hoạch giao. Trong đó, có 45.300 triệu đồng thưc hiện hỗ trợ đào tạo nghề; gần 22.300 triệu đồng hỗ trợ đầu tư sửa chữa, bảo dưỡng một số hạng mục công trình tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hơn 3.500 triệu đồng thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp.
Nhờ nguồn lực được tăng cường, đầu tư giúp các địa phương đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm cho người dân. Các ngành nghề được đào tạo cơ bản phù hợp với nhu cầu, tình hình thực tế của các địa phương, người lao động, như: Đào tạo kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản nước ngọt, cây có múi; đào tạo nghề may công nghiệp; dệt thổ cẩm, mây tre đan; sửa chữa, vận hành máy nông nghiệp; điện dân dụng; hàn điện; bảo dưỡng, sửa chữa xe máy số, tay ga các loại,... Thông qua các lớp đào tạo nghề, trình độ của lao động nông thôn được nâng lên. Từ đó, đã giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giúp người dân nâng cao thu nhập. Bên cạnh việc mở các lớp đào tạo nghề, các trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng được quan tâm đầu tư. Căn cứ vào nhu cầu đào tạo cũng như tình hình thực tế, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện đầu tư mua sắm các trang thiết bị dạy nghề, phục vụ đào tạo nghề. Các hoạt động tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm,... được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, công tác tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm được quan tâm. Cơ quan chức năng phối hợp với trường Trung học phổ thông để tuyên truyền chính sách pháp luật và tổ chức các cuộc tọa đàm định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động dân tộc thiểu số.
Bám sát quy định về cung cấp thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hoà Bình đã kết hợp trong quá trình đào tạo nghề để tư vấn, giới thiệu, tìm kiếm, kết nối việc làm cho người lao động, liên kết hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo họp đồng; gắn kết hiệu quả đào tạo và giải quyết việc làm; cung cấp thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho lao động. Dự án đã đem về những kết quả thiết thực. Năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức thông tin, tuyên truyền 35 buổi cho 1.750 người là đối tượng người dân tộc thiểu số tiếp cận với những thông tin thị trường lao động; hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho 500 lao động. Năm 2023, tiếp tục tổ chức 13 cuộc tọa đàm, tư vấn hướng nghiệp khởi nghiệp, 14 Hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài cho 2.560 người là đối tượng người dân tộc thiểu số tiếp cận với những thông tin thị trường lao động; hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho 1.400 lao động.
Công tác đào tạo nghề được phân cấp trực tiếp cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện thực hiện. Việc phân cấp đã tạo điều kiện cho đơn vị trong việc lựa chọn ngành nghề đào tạo, chủ động phát triển ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh và dịch vụ đã góp chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Các ngành, nghề đào tạo cơ bản phù hợp với nhu cầu của người lao động. Sau khi được đào tạo, nhất là lao động học nghề nông, lâm nghiệp đã phát huy, vận dụng tốt kiến thức vào lao động sản xuất.
Thông qua các lớp đào tạo nghề đã góp phần nâng cao trình độ, nhận thức cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời áp dụng được kiến thức, kỹ năng mới vào sản xuất góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế ở nông thôn./.