Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngành Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đóng vai trò hết sức quan trọng, cung cấp cho các ngành công nghiệp chính các nguyên liệu, vật liệu, linh kiện, phụ tùng. Các doanh nghiệp không nhất thiết phải đầu tư vào sản xuất toàn bộ, nhưng vẫn đảm bảo các sản phẩm công nghiệp có chất lượng cao, nâng cao năng suất, giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển ngành CNHT, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ và ưu tiên phát triển ngành như: Luật 71/2014/QH13 về Sửa đổi, bổ sung một số điều về các Luật về Thuế; Nghị định 12/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật thuế; Luật số 61/2020/QH14 về Luật Đầu tư; Đặc biệt, là Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT với 6 ngành nghề được hỗ trợ, ưu đãi: Dệt- may, da-giày, điện tử, sản xuất lắp ráo ô tô, cơ khi chế tạo, các sản phẩm CNHT cho công nghệ cao. Ngoài ra, Chính phủ cụ thể hóa Chương trình phát triển CNHT giai đoạn 2016-2025 thông qua Quyết định số 68/QĐ-TTG. Việt Nam hiện nay tập trung phát triển 3 lĩnh vực: Linh kiện phụ tùng; CNHT ngành dệt may, da giày; CNHT cho công nghiệp công nghệ cao.
Với sự quan tâm và đẩy mạnh hộ trợ về cơ chế chính sách, ngành CNHT Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định. Tính đến năm 2016, cả nước hiện có 1.800 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng. Trong đó doanh nghiệp sản xuất linh kiện kim loại chiếm 42,8%, sản xuất linh kiện nhựa cao su chiếm 33,9%, còn lại là linh kiện điện- điện tử. Giá trị sản xuất công nghiệp trong lĩnh vực này đạt 360.000 tỷ đồng, thị trường xuất khẩu rộng khắp thế giới.
Tỉnh Hòa Bình hiện có 17 cụm công nghiệp và nhiều nhà máy, xí nghiệp hoạt động độc lập trên địa bàn. Đa phần các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, ASEAN hoạt động sản xuất, cung ứng các sản phẩm lắp ráp và thị trường tiêu thụ. Với những lợi thế cơ bản, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm mở rộng, thu hút nhà đầu tư vào CNHT. Tỉnh tập trung xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, cải cách hành chính, cung cấp thông tin và hỗ trợ các nhà đầu tư tiếp cận với ưu đãi. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực để hoàn thiệt kết cấu hạ tầng, ưu tiên khuyến khích các nhà đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia và công ty vệ tinh của các tập đoàn này.
Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu cho rằng việc triển khai các chương trình ưu đãi phát triển CNHT chưa hiệu quả, nguyên vật liệu phục vụ cho ngành dệt may còn hạn chế, đặc biệt những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển của ngành. Giải đáp các thắc mắc trên, đồng chí Nguyễn Mạnh Linh, chuyên gia về Công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công thương cho rằng các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu kỹ Nghị định số 111/201/NĐ-CP để đưa ra các chính sách đặc thù cho doanh nghiệp tại địa phương, triển khai các biện pháp để hỗ trợ về thông tin, tăng sự liên kết giữa các doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư để tăng cường xúc tiến thu hút đầu tư trong tỉnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chủ động hoàn thiện hồ sơ xin hưởng ưu đãi trong sản xuất CNHT, tăng cường kết nối, thông tin giữa các doanh nghiệp và tập trung phát triển nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề cán bộ kỹ thuật và công nhân tại doanh nghiệp./.