Số trang trại chăn nuôi cũng tăng theo từng năm, đơn cử như năm 2016 toàn tỉnh có 02 trang trại chăn nuôi bò, tới năm 2021 đã có 07 trang trại; năm 2016 có 57 trang trại chăn nuôi gia cầm, đến năm 2021 có 71 trang trại; năm 2016 có 34 trang trại chăn nuôi lợn, tới năm 2021 có 41 trang trại; năm 2016 có 11 trang trại chăn nuôi dê đến năm 2021 có 14 trang trại chăn nuôi dê quy mô nhỏ từ 100-300 con.
Cũng theo đó số nhà máy chế biến sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng lên. Năm 2016 có 04 nhà máy chế biến sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng công suất 655 nghìn tấn/năm; đến năm 2021 có 05 nhà máy chế biến sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng công suất 675 nghìn tấn/năm; có 225 cơ sở kinh doanh, buôn bán thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nuôi đáp ứng nhu cầu sản xuất của người chăn nuôi. Phát triển trồng cây thức ăn xanh trên diện tích đất sản xuất cây lương thực, hoa màu kém hiệu quả, dự trữ chế biến thức ăn từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp cho trâu, bò vào vụ đông.
Để phát triển chăn nuôi, các hộ đã thực hiện thành lập HTX và liên kết sản xuất. Đến tháng 4/2022 trên địa bàn tỉnh có 60 HTX chăn nuôi, có 28 Hợp tác xã liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi được hình thành và hoạt động có hiệu quả.
Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm vật nuôi có lợi thế của địa phương đã được quan tâm triển khai thực hiện, đã được cấp giấy chứng nhận các nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm: "Gà Lạc Sơn", "Gà Lạc Thủy", "Lợn Bản địa Đà Bắc", "Dê Lạc Thủy", "Dê núi Lương Sơn" có truy xuất nguồn gốc. Tới nay đã có 15 sản phẩm OCOP chăn nuôi gồm: Gà tươi nguyên con của Hợp tác xã Chăn nuôi gà Lạc Thủy được xếp hạng 4 sao; Gà tươi nguyên con của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Hải Đăng; sản phẩm Gà Lạc Sơn của Hợp tác xã chăn nuôi gà Hương Nhượng được xếp hạng 3 sao; Gà Thuận Phát của Hợp tác xã Nông nghiệp & Dịch vụ Thuận Phát được xếp hạng 3 sao; thịt dê núi Lương Sơn; Vịt Cổ xanh Mường Hịch; Thịt lợn đen Mường Pa và 08 sản phẩm mật ong được xếp hạng 03 sao.
Nhìn chung, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đang phát triển ổn định, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đã hình thành một số Tổ hợp tác, Hợp tác xã chăn nuôi và hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, trang trại theo quy hoạch góp phần nâng cao năng suất chất lượng, cung cấp nguồn thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên giá sản phẩm chăn nuôi bấp bênh, thị trưởng tiêu thụ không ổn định, người chăn nuôi thiếu nguồn vốn để đầu tư đã ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Quy mô sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn nhỏ, năng lực ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chưa nhiều. Các sản phẩm chăn nuôi chủ yếu được sản xuất trong các hộ gia đình, sản phẩm thường bán cho các thương lái và trực tiếp bán ngoài chợ, do vậy khi ảnh hưởng của dịch bệnh, sự giao thương giữa các vùng bị hạn chế; sức tiêu dùng thực phẩm bị giảm.
Để có sản phẩm tốt gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hướng tới xuất khẩu, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ...sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; thông tin dự báo về thị trường để các tổ chức, cá nhân điều chỉnh kế hoạch sản xuất chăn nuôi, phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Đẩy mạnh các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi; ưu tiên các dự án phát triển đầu tư chăn nuôi hàng hóa tập trung, theo chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; chủ động nguồn lực triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi của Trung ương và địa phương.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác cải tạo giống vật nuôi bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và sử dụng con giống có năng suất, chất lượng cao để cho lai cải tạo đàn giống địa phương. Khuyến khích xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm chăn nuôi bản địa có lợi thế, liên kết với các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân phát triển các cửa hàng nông sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình./.