DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Phát triển cây dược liệu trở thành cây làm giàu của Việt Nam

12/04/2017 00:00

Sáng 12/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam. Tại điểm cầu Hòa Bình, đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Hòa Bình, đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế chủ trì hội nghị.

Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của cây dược liệu trong đời sống. Đặc biệt với điều kiện tự nhiên ¾ là đồi núi như nước ta việc phát triển cây dược liệu là rất cần thiết nhằm sử dụng bảo vệ sức khỏe nhân dân và xuất khẩu. Thủ tướng yêu cầu tại hội nghị này, các đại biểu tập trung thảo luận, bàn giải pháp, hướng bảo vệ và phát triển cây dược liệu Việt Nam trong tình hình hiện nay.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Theo kết quả điều tra đến năm 2016, Việt Nam đã ghi nhận được trên 5.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc. Trong đó có gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc trong nước và hướng tới xuất khẩu như: Quế, hồi, hòe, actiso, sa nhân, kim tiền thảo, đinh lăng, thảo quả….Việc nuôi trồng cây dược liệu cũng làm tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân, đặc biệt là có hiệu quả kinh tế cao hơn từ 3 - 5 lần so với trồng một số loại cây trồng nông nghiệp khác như lúa, ngô, sắn.

Bên cạnh đó thị trường tiêu thụ dược liệu Việt Nam là rất lớn, bao gồm: Hệ thống khám chữa bệnh bằng YHCT gồm có 63 bệnh viện YHCT công lập; hệ thống bệnh viện đa khoa có khoa YHCT hoặc tổ YHCT; khoảng 80% trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng YHCT và gần 7.000 cơ sở hành nghề YHCT tư nhân sử dụng dược liệu trong khám chữa bệnh. Đồng thời cả nước có 226 cơ sở sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền được cấp số đăng ký lưu hành sử dụng dược liệu làm nguyên liệu làm thuốc trong sản xuất. Nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước ước tính khoảng 60.000 - 80.000 tấn/năm, trong đó có rất nhiều dược liệu có tiềm năng nuôi trồng trong nước.

Tuy nhiên hiện nay việc bảo tồn và phát triển cây dược chưa được quan tâm chú trọng. Việc khai thác và sử dụng cây dược liệu còn tồn tại nhiều vấn đề đặt ra. Tiềm năng rất lớn tuy nhiên nguồn dược liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu, 75% còn lại vẫn phải nhập khẩu. Công tác quản lý chất lượng dược liệu còn nhiều bất cập. Từ năm 2012 tới nay, Bộ Y tế đã phát hiện một số lượng lớn dược liệu không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc. Riêng trong năm 2016, trong 2.724 mẫu dược liệu được kiểm tra phát hiện thì có 374 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh, hiệp hội dược, công ty dược đã tham luận nêu rõ thực trạng phát triển dược liệu và đề nghị quy hoạch vùng phát triển dược liệu, quy định về dược liệu sạch, cùng với đó có những chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi trồng dược liệu với quy mô lớn như hỗ trợ về vốn, ưu đãi về thuế…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những bất cập của ngành dược liệu hiện nay là do chưa quy hoạch được vùng dược liệu phát triển theo chuỗi giá trị nên hiệu quả thấp; sản xuất manh mún, không có đầu ra bền vững. Thủ tướng Chính phủ đề nghị cần có khuôn khổ chính sách pháp luật rõ hơn, nếu cần thiết phải sửa luật để Dược liệu Việt Nam có điều kiện phát triển. Thủ tướng cho rằng cần phải phát triển Công nghệ Dược ở Việt Nam để chế biến hiệu quả và phải có hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm dược liệu Việt Nam ra quốc tế. Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với Bộ KH&CN xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để phát triển ngành Dược liệu Việt Nam; xây dựng chương trình khoa học trọng điểm về dược liệu; có chính sách hỗ trợ, công nhận các bài học cổ truyền, lựa chọn một số dược liệu có giá trị kinh tế cao để đầu tư phát triển như sản phẩm của quốc gia.

Cần tăng cường truyền thông để giúp người dân, cộng đồng nhận được thông tin, có kiến thức về phát triển dược liệu Việt Nam; khuyến khích việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, đơn giản hóa các thủ tục thanh toán, có chính sách đặc thù trong đấu thầu mua dược liệu trong nước theo tiêu chuẩn quy định. Các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đến cán bộ làm công tác dược liệu, bổ sung nhân lực quản lý y dược cổ truyền nói chung và dược liệu nói riêng. Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bộ Công thương, Hải quan và các địa phương tăng cường quản lý giám sát chặt chẽ việc xuất nhập khẩu dược liệu./.