DetailController

Thời sự trong ngày

Phát động Phong trào thi đua yêu nước năm 2023

11/01/2023 00:00
Để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2023 đã đề ra, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2023 với chủ đề: Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình “Đoàn kết kỷ cương, đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, kịp thời hiệu quả” thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023. Trong đó tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm:
Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát động phong trào thi đua năm 2023

Thứ nhất, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW  ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thứ hai, thi đua phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của từng ngành, địa phương, đơn vị, trong đó tập trung cao cho thi đua thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Thứ ba, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ 4 đột phá chiến lược của tỉnh. Đặc biệt là hoàn thành và triển khai các quy hoạch, trong đó tập trung vào các quy hoạch có tính chất quan trọng như: Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng huyện. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; đổi mới các hoạt động xúc tiến đầu tư, thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, kịp thời giải quyết hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Tập trung huy động nguồn vốn để đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm; ưu tiên đầu tư phát triển vùng động lực, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, giao thông nông thôn; đầu tư phát triển đô thị, các khu, điểm du lịch quốc gia. Phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động; đẩy mạnh các giải pháp phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ tư, thi đua đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, trong đó tập trung vào Chương trình chuyển đổi số tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, các Đề án, Kế hoạch quan trọng của tỉnh để phát triển nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch; trong đó, chú trọng phát triển du lịch, triển khai đồng bộ, linh hoạt các chính sách kích cầu, phục hồi du lịch nội địa. Tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hoá chất lượng cao gắn với thị trường tiêu thụ xuất khẩu, với du lịch, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.

Thứ năm, tổ chức, điều hành dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 linh hoạt, chủ động, chặt chẽ, đảm bảo đúng dự toán được giao. Tăng cường công tác quản lý thu ngân sách, khai thác hiệu quả nguồn thu, triển khai các biện pháp chống thất thu; tập trung hoàn thành các thủ tục đấu giá đất, các dự án nhà ở thương mại; hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, thủ tục giao đất, tính tiền sử dụng đất ngay từ đầu năm. Triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch đầu tư công năm 2023. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công. Quyết liệt thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.

Thứ sáu, nâng cao năng lực quản lý về lĩnh vực tài nguyên môi trường, nhất là quản lý nhà nước về đất đai; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án đầu tư quan trọng, dự án đấu giá đất, dự án đầu tư có sử dụng đất. Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, tập trung xử lý rác thải ở đô thị và nông thôn, quản lý chặt chẽ hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất kinh doanh, không để xảy ra các hiện tượng gây ô nhiễm môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai.

Thứ bảy, đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kịp thời đưa ra khỏi bộ máy những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, kỷ cương hành chính, mất uy tín với nhân dân; khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra những hạn chế, yếu kém, làm ảnh hưởng chung đến sự phát triển của tỉnh. Tập trung xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số để công khai, minh bạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Quyết tâm duy trì và cải thiện hơn nữa thứ hạng các chỉ số đánh giá cấp tỉnh, nhất là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và các chỉ số PAR INDEX, PAPI, SIPAS.

Thứ tám, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học, bậc học; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, các di tích, lễ hội tỉnh Hòa Bình, gắn với phát triển dịch vụ, du lịch. Quan tâm giải quyết các vấn đề về lao động, việc làm; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, hộ nghèo đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau. Tập trung thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư, xây dựng, nâng cấp các cơ sở y tế, phục vụ cho chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, của nhân dân.

Thứ chín, tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân ngày càng vững chắc. Chủ động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm, nhằm ngăn chặn, kiềm chế, giảm thiểu các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, không để hình thành các “điểm nóng”. Thúc đẩy các hoạt động đối ngoại; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các Bộ ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố bạn, các tổ chức, cá nhân liên quan, tận dụng các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh phát triển ngành, địa phương.  

Thứ mười, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng; triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước do Chính phủ và Uỷ ban nhân dân tỉnh phát động, đảm bảo hiệu quả, để công tác khen thưởng phải đi vào thực chất, khen thưởng đúng người, đúng việc, thành tích đến đâu, khen đến đó;  chú trọng phát hiện, khen thưởng những tập thể nhỏ, cá nhân trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; kịp thời biểu dương, tôn vinh những gương điển hình tiên tiến, người tốt – việc tốt để lan toả ra xã hội những tấm gương tiêu biểu, xuất sắc, những hành động tốt đẹp, cách làm hay, sáng tạo, có ý nghĩa cho cộng đồng, cũng như tinh thần vươn lên trong cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh./.