DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng nông thôn mới

24/11/2023 16:30
Hòa Bình là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, với diện tích tự nhiên hơn 4.590 km2; dân số hiện nay trên 87 vạn người, gồm nhiều dân tộc cùng sinh sống (các dân tộc như: Mường, Kinh, Tày, Dao, Thái, H’Mông,...). Trong đó, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 74,31%, gồm các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông, còn lại là một số dân tộc thiểu số khác. Những năm qua, với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân, kinh tế - xã h ội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng lên, đời sống người dân không ngừng được cải thiện; quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững;... Những thành tựu đó có sự đóng góp công sức quan trọng của đồng bào DTTS, đặc biệt là trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ngày càng toàn diện và phù hợp về công tác dân tộc với quan điểm: Tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS sinh sống là đầu tư cho phát triển, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nhằm đạt mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Với mục tiêu đó, tỉnh Hòa Bình đã tập trung tuyên truyền vận động đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trong sản xuất nông lâm nghiệp thông qua các loại hình tổ chức thực hiện như: Tổ chức hơn 20 hội nghị tập huấn các văn bản pháp luật liên quan lĩnh vực kiểm dịch thực vật nội địa, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại 10 huyện trên địa bàn tỉnh với hơn 600 học viên tham gia, trong đó có hơn 400 người là đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện 23 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (gồm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng nông nghiệp) với tổng số 250 cơ sở được tuyên truyền pháp luật, trong đó có gần 180 chủ cơ sở là người dân tộc thiểu số được tuyên truyền, hướng dẫn kinh doanh đúng quy định pháp luật; Tuyên truyền cho trên 650 nghìn lượt người nghe về các quy định quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng...; từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành quy định pháp luật, nhận thức và hành động tích cực trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường - Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có năng suất chất lượng cao theo quy trình đạt chất lượng VietGAP.

Đôn đốc các địa phương thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, nhằm khắc phục tình trạng manh mún về ruộng đất của các hộ dân; hình thành những vùng sản xuất tập trung, kết hợp xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu, tạo điều kiện cho việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất; cơ cấu cây trồng tiếp tục được chuyển đổi theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường, định hướng chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao (như bí xanh, bí đỏ, dưa hấu, dưa chuột,....). Ước tính đến nay toàn tỉnh chuyển đổi được trên 7.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác. Một số cây trồng được trồng chuyển đổi chủ yếu gồm: ngô; rau đậu các loại (bí xanh, bí đỏ...) và một số cây trồng hàng năm khác. 100% diện tích chuyển đổi đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Phát triển sản phẩm nông nghiệp trên các lĩnh vực (nhóm sản phẩm chủ lực, lợi thế) gắn với sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với xuất khẩu, cụ thể: Xây dựng và thực hiện một số mô hình liên kết sản xuất, chuỗi giá trị trong sản xuất trồng trọt như: Mô hình liên kết trong sản xuất cây gai xanh AP của Công ty CP4 tập đoàn An Phước để làm nguyên liệu phục vụ công nghiệp dệt may, đây là đối tượng cây trồng được kỳ vọng thay thế một số diện tích cây trồng kém hiệu quả như sắn, ngô, mía đường nguyên liệu và một số diện tích nhiễm nặng bệnh khảm lá sắn; Mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng khả năng ra hoa, đậu quả trên cây bưởi đỏ tại huyện Tân Lạc…; Kết nối sản xuất, sơ chế tiêu thụ nông sản: đến nay, trên toàn tỉnh đã cấp 54  mã số vùng trồng và 08 mã số cơ sở đóng gói; đã hỗ trợ kết nối các hoạt động liên kết trong sơ chế, tiêu thụ sản phẩm trên cây mía đi EU, Mỹ; bưởi đi Châu Âu; Liên kết tiêu thụ và xuất khẩu nhãn, cam đi Anh; Kết nối và tiêu thụ các sản phẩm chuối, nhãn, thanh long trong nước và ngoài nước. Ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, công nghệ sinh học, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp: Ứng dụng công nghệ vi ghép đỉnh sinh trưởng trong sản xuất cây có múi S0, S1 phục vụ sản xuất giống cây có múi sạch bệnh của tỉnh; Ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống mía bằng phương pháp nuôi cấy mô phục vụ sản xuất mía của tỉnh,…

Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ dân nông thôn trên toàn tỉnh đến hết năm 2022 được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 95,5%, vượt 0,52% chỉ tiêu Nghị quyết; dự kiến đến hết năm 2023 đạt 95,7%. Hệ thống thủy lợi đã phủ rộng khắp các xã trong tỉnh, cấp nước tưới chủ động đảm bảo phục vụ sản xuất cho mùa vụ: nguồn nước đảm bảo phục vụ cho khoảng 56.593 ha cây trồng trong 02 vụ theo kế hoạch. Hiện tại, tỉnh Hòa Bình đã có 1.915 công trình và hệ thống công trình thủy lợi; 3.723,3 km kênh mương tưới các loại, đã kiên cố hoá được 2.125,5 km (đạt 57,1%); trên 48,92 km đê các cấp thuộc các huyện Lương Sơn, Yên Thủy và thành phố Hòa Bình.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 73/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 56,6%; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã; toàn tỉnh có 28 xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 60 Khu dân cư kiểu mẫu, 174 vườn mẫu. Dự kiến đến hết năm 2023, có thêm 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh lên 79/129 xã đạt 61,24%; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã; có thêm các xã nông thôn mới nâng cao, cụ thể: Các địa phương (xã, huyện) đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tiếp tục duy trì và thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao. Một số tiêu chí cụ thể cho thấy sự thay đổi tích cực và những kết quả khả quan như: Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 ước đạt khoảng trên 40 triệu đồng/người/năm. Đến nay có 80/129 xã đạt tiêu chí, đạt 62%; Tiêu chí về hộ nghèo (tiêu chí số 11): đến nay đã có 83/129 xã đạt tiêu chí./.