Quán triệt chỉ đạo của Tỉnh ủy, 100% cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị, tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Từ khi triển khai Chỉ thị đến nay, UBND tỉnh và các huyện, thành phố đã chuyển nhượng sang NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên 41 tỷ đồng, chiếm 1,43% tổng nguồn vốn NHCSXH. Cấp ủy, chính quyền các cấp còn tạo điều kiện hỗ trợ 5 tỷ đồng xây dựng trụ sở làm việc của NHCSXH tỉnh, làm tăng năng lực cho NHCSXH phát huy tốt vai trò, hiệu quả trong triển khai tín dụng chính sách ở địa phương. Ngoài nguồn vốn ngân sách địa phương, NHCSXH còn tập trung huy động vốn theo lãi suất thị trường, đạt trên 324 tỷ đồng, chiếm 9,8% tổng nguồn vốn.
Đến ngày 30/6/2020, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh đạt 3.325 tỷ đồng, tăng 78% so với thời điểm trước khi chỉ thị được ban hành. Doanh số cho vay đạt hơn 1.700 tỷ đồng, với trên 229 nghìn lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn toàn tỉnh đã được vay vốn phát triển sản xuất, giúp trên 43 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 80 nghìn lao động được tạo việc làm, 122 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, hơn 30 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập. Từ nguồn vốn chính sách, tỉnh đã đầu tư xây dựng hơn 102 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, trợ giúp hơn 21 nghìn hộ nghèo xây dựng nhà ở kiên cố, thoát khỏi cảnh nhà tạm bợ, được vay vốn để phát triển sản xuất, ổn định đời sống, sớm vươn lên thoát nghèo. Chất lượng tín dụng được kiểm soát, duy trì ở mức thấp. Nợ quá hạn đến 30/6/2020 chỉ chiếm 0,12%, nợ khoanh là 0,08%; công tác xử lý nợ rủi ro kịp thời cho các đối tượng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh trong từng giai đoạn có sự chuyển biến tích cực. Trong giai đoạn 2011-2015 có trên 33 nghìn hộ thoát nghèo, giảm 16,05% so với điều tra ban đầu; đến giai đoạn 2016-2020 số hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều là trên 1.700 hộ, chỉ chiếm 11,25%.
Hiện nay, toàn tỉnh có 151 Điểm giao dịch vốn tín dụng chính sách xã hội xã đặt tại trụ sở các xã, phường, thị trấn, giao dịch hàng tháng vào ngày cố định. 99% các hoạt động giao dịch của NHCSXH với các đối tượng chính sách tiếp cận các chương trình ưu đãi của Chính phủ một cách thuận lợi, tiết giảm chi phí. Bên cạnh đó, thông qua việc giao dịch tại các xã nhằm tăng cường giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội trong việc thực thi tín dụng chính sách. Do vậy, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ kịp thời đến đúng đối tượng để phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Có thể khẳng định rằng, Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư đã đi sâu vào cuộc sống và tạo nên tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách. Từ đó, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm và nhận thức trong việc triển khai tín dụng chính sách, quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH. Đặc biệt bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, nhằm đáp ứng một phần nhu cầu vay vốn của người dân./.