DetailController

Kinh tế

Phát huy giá trị kinh tế rừng

25/04/2022 00:00
Tỉnh Hòa Bình có tổng diện tích tự nhiên trên 459 nghìn ha, trong đó diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp là 298 nghìn ha, chiếm 64,66%. Diện tích quy hoạch rừng sản xuất là trên 149 nghìn ha, chiếm 51,70% tổng diện tích quy hoạch lâm nghiệp, bao gồm: Rừng tự nhiên trên 28 nghìn ha, rừng trồng trên 69 nghìn ha, đất trống gần 52 nghìn ha. Đây là tiềm năng lớn có vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất lâm nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cho phần lớn dân cư nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Phát huy giá trị kinh tế rừng, góp phần tạo việc làm tại chỗ cho người dân địa phương

Trong những năm gần đây công tác phát triển rừng đang được các cấp ủy đảng đặc biệt quan tâm; diện tích đất trống, đồi trọc được phủ xanh, thu nhập và đời sống người dân ngày càng được cải thiện nhưng hầu hết diện tích rừng trồng áp dụng phương thức sản xuất kinh doanh gỗ nhỏ, khai thác rừng non với chu kỳ từ 5- 6 năm theo hình thức quảng canh; năng suất, chất lượng rừng còn thấp (khoảng 65m3/ha/chu kỳ); sản phẩm khai thác chủ yếu làm nguyên liệu giấy và dăm gỗ. Thu nhập cho một chu kỳ sản xuất chỉ đạt 10,4 triệu đồng/ha/năm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Liên kết trong sản xuất lâm nghiệp đã hình thành, đúng định hướng ở một số nơi với quy mô diện tích nhỏ, như việc doanh nghiệp giúp người dân và chủ rừng xây dựng, tổ chức thực hiện quy trình quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC (khoảng 11,5 nghìn ha). Qua đó giá trị rừng trồng được tăng lên; sản phẩm gỗ khai thác có điều kiện tham gia thị trường nguyên liệu cung cấp cho chế biến đồ gỗ xuất khẩu.

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 214 cơ sở chế biến lâm sản (52 tổ chức, doanh nghiệp và 162 cá nhân, hộ gia đình). Hầu hết các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có quy mô vừa và nhỏ, sản phẩm chủ yếu là Ván ép, ván bóc, dăm băm và sản xuất, kinh doanh đồ mộc gia dụng. Một số doanh nghiệp trên địa bàn đã có sản phẩm xuất khẩu trực tiếp tại các thị trường Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Châu Âu như: Nhà máy MDF Vinafor Tân an (công xuất thiết kế: Ván MDF 54 nghìn m3/năm, ván ghép thanh 2.000 m3/năm; đã sản xuất kinh doanh và tham gia vào thị trường); nhà máy MDF Phú Thành, Lạc Thủy (công xuất 40 nghìn m3/năm, đang trong quá trình xây dựng dự án đầu tư); Xí nghiệp chế biến lâm sản Sơn Thuỷ; Nhà máy ván sàn Hòa Bình; Công ty TNHH Phú Đạt - Lương Sơn; Công ty cổ phần Lâm sản Hòa Bình... các sản phẩm xuất khẩu gồm: Ván ép, đồ mộc gia dụng và ván ghép thanh. Năm 2021 giá trị hàng hóa đạt 1.408 tỷ đồng; trong đó xuất khẩu 716 tỷ đồng; tiêu thụ nội địa 692 tỷ đồng.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số liên kết giữa các doanh nghiệp với chủ rừng như Công ty lâm nghiệp Hòa Bình, Công ty cổ phần Sơn Thủy... các doanh nghiệp đã hỗ trợ cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân xây dựng và thực hiện quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và quản lý rừng bền vững; mời các tổ chức trong nước và quốc tế thẩm tra, xem xét cấp chứng chỉ FSC cho nhân dân với diện tích được cấp chứng chỉ FSC đạt khoảng 11,5 nghìn. Tuy nhiên chủ yếu vẫn là trồng rừng gỗ nhỏ; việc liên kết kinh doanh chưa chặt chẽ, chưa có tổ chức trung gian như Hợp tác xã,... tham gia vào chuỗi liên kết giúp doanh nghiệp tổ chức quản lý phát triển rừng sản xuất; diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC còn ít so với quy mô phát triển.

Tuy nhiên hiện nay diện tích rừng chủ yếu là rừng sản xuất kinh doanh gỗ nhỏ, khai thác rừng non, năng suất, chất lượng rừng còn thấp, thu nhập cho một chu kì chỉ đạt khoảng hơn 10 triệu đồng/ha/năm. Hình thức tổ chức sản xuất tập trung trong công nghiệp chế biến gỗ liên kết theo chuỗi sản phẩm, từ khâu trồng rừng, thu mua nguyên liệu, đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hình thành các trung tâm sản xuất đôi với các sản phấm chủ lực, nhất là hàng xuất khẩu tại tỉnh chưa phát triến. Công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường đồ gỗ đế nắm bắt nhu cầu và các biến động của thị trường còn chưa mấy được quan tâm. Cơ sở chế biến hiện có tại địa phương chủ yếu quy mô vừa và nhỏ với công nghệ lạc hậu, thiếu vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng không cao, thiếu thông tin thị trường. Chưa thu hút được doanh nghiệp chế biến lớn, công nghệ hiện đại vào đầu tư, liên kết tạo vùng nguyên liệu tập trung; phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn gắn với quy hoạch chế biến. Trong bối cảnh dịch COVID-19 bừng phát mạnh mẽ, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ. Nhiều nhà máy phải đóng cửa, dùng hoạt động. Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ phải đối mặt với các khía cạnh y tế; về nguồn lao động và trong chuỗi cung úng, lưu thông hàng hóa.

Căn cứ theo Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 – 2030 được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt tại Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 27 về phát triển bền vững sản xuất tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó định hướng đến năm 2025: Trung bình có 3.000 ha rừng trồng gỗ nhỏ được chuyển hóa sang kinh doanh gỗ lớn, 6.000 ha rừng trồng mới thâm canh gỗ lớn bằng giống chất lượng cao; Có 50% diện tích rừng sản xuất là rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Năng xuất rừng trồng tăng lên 1,3 lần, sản lượng gỗ đạt trung bình 150 m3/ha/chu kỳ gỗ lớn, giá trị thu được bình quân mỗi năm trên 1 ha đất rừng trồng sản xuất tăng gấp 2,5 lần (25 triệu/ha/năm). Giá trị hàng hóa gỗ và lâm sản tỉnh Hòa Bình ước đạt 2.000 tỷ đồng; giá trị sản xuất lâm nghiệp đóng góp 16% vào tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản./