DetailController

Văn hóa

Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh

28/11/2023 16:30
Thời gian qua, thực hiện Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trong giai đoạn 2012 - 2015, tỉnh Hòa Bình đã tiến hành kiểm kê đối với di sản văn hóa phi vật thể của 5 dân tộc thiểu số trong tỉnh. Kết quả đã kiểm kê được 267 di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường, trong đó 01 di sản tiếng nói, 33 di sản ngữ văn, 29 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, 23 di sản về tập quán xã hội, 35 lễ hội truyền thống, 4 nghề thủ công, 142 di sản về tri thức dân gian.

Căn cứ kết quả kiểm kê đã lập hồ sơ khoa học 4 di sản văn hóa phi vật thể của người Mường Hòa Bình đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm nghệ thuật chiêng Mường Hòa Bình; Mo Mường Hòa Bình; Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường Hòa Bình; Lịch tre của người Mường Hòa Bình. Trong đó di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương lập hồ sơ khoa học trình UNESCO. Tỉnh đang tiếp tục xây dựng hồ sơ các di sản văn hóa của người Mường Hòa Bình đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để bảo tồn và phát huy. Công tác kiểm kê đối với di sản văn hóa phi vật thể của người Mường Hòa Bình còn hạn chế; số di sản văn hóa có giá trị được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia còn ít; công tác nghiên cứu, sưu tầm và phát huy giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể của người Mường Hòa Bình phát triển thành những sản phẩm du lịch chưa được quan tâm.

Mo Mường có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của dân tộc Mường, chứa đựng nhiều giá trị vô cùng đặc sắc, quý giá. Để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Mo Mường, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan thực hiện có hiệu quả việc kiểm kê, sưu tầm và tổng hợp, lưu giữ đầy đủ các giá trị, nội dung và kịp thời khắc phục nguy cơ mai một và mất đi giá trị của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Mo Mường; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội trong việc bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị của di sản trong các lĩnh vực đời sống xã hội; đưa di sản Mo Mường trở thành sản phẩm du lịch tiêu biểu đặc sắc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đang chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành phố liên quan hoàn thiện hồ sơ cấp Nhà nước đệ trình UNESCO ghi danh Mo Mường vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Trên địa bàn tỉnh còn gần 200 thầy Mo đang hoạt động; công tác bảo tồn giá trị Mo Mường trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây đã thu hút sự quan tâm của quần chúng thông qua việc thành lập các câu lạc bộ Mo Mường. Bước đầu, chính quyền cấp xã, huyện đã kết hợp chặt chẽ với cộng đồng theo phương châm xã hội hóa trong quản lý câu lạc bộ, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường.

Bên cạnh đó, Mo Mường có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống của người Mường nói chung, người Mường Hòa Bình nói riêng. Tuy nhiên, hiện nay di sản văn hóa Mo Mường đang đứng trước nhiều thách thức, sự phát triển về kinh tế ngày càng tiệm cận miền xuôi, khiến các giá trị văn hóa truyền thống tự biến đổi phù hợp với điều kiện mới; việc bảo tồn, lưu truyền Mo Mường thông qua phương thức truyền khẩu; các nghệ nhân hiểu biết, nắm giữ tri thức Mo, có bề dày kinh nghiệm và trình độ diễn xướng Mo đã cao tuổi, số lượng ngày càng ít đi, trong khi số lượng thế hệ trẻ được trao truyền có hạn; các bài Mo trong quá trình diễn xướng Mo tang lễ bị giản lược để phù hợp với các quy định trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. Một bộ phận lớp trẻ không đọc và nói được tiếng nói của dân tộc mình sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế trong quá trình bảo tồn và trao truyền di sản văn hóa nói chung và Mo Mường nói riêng. Nhiều nghệ nhân cao niên, có danh tiếng từ lâu đã quá cố hoặc già yếu chưa được quan tâm trợ cấp vật chất, vinh danh và khai thác vốn di sản do họ nắm giữ. Một bộ phận các bài Mo và tri thức về mo đã biến mất trong văn hóa cộng đồng dân tộc Mường nói riêng và cả nước nói chung.

Công tác khôi phục, bảo tồn lễ hội truyền thống dân tộc Mường Hòa Bình Lễ hội dân gian dân tộc Mường Hoà Bình được hình thành và gắn kết với tín ngưỡng dân gian của người Mường. Dân tộc Mường ở Hoà Bình không có những lễ hội quy mô lớn, nhưng lại lưu giữ được nhiều lễ hội dân gian chứa đựng những giá trị văn hoá độc đáo. Phần lễ là các nghi lễ thể hiện tín ngưỡng dân gian của người Mường nhằm tạ ơn thần linh đã cho mưa thuận gió hoà, ruộng nương tươi tốt, mùa màng bội thu để người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Phần hội là các hình thức diễn xướng, đánh Chiêng, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, các trò chơi dân gian, thi đan lát, dệt vải, ẩm thực,… Lễ hội được tổ chức nhằm đáp ứng đời sống văn hóa tín ngưỡng, đồng thời cũng là dịp để người dân được nghỉ ngơi, vui chơi, giao lưu trong cộng đồng. Theo số liệu kiểm kê trên địa bàn tỉnh có 35 lễ hội truyền thống của người Mường. Các lễ hội chủ yếu gắn với sản xuất nông nghiệp, tín ngưỡng dân gian và các di tích đình, đền, chùa, miếu trong vùng đồng bào Mường sinh sống. Đã có nhiều Lễ hội dân gian của người Mường được khôi phục tổ chức như Lễ hội Chùa Tiên, Lễ hội khai hạ Mường Bi, Lễ hội Mường Thàng, Lễ hội Mường Động, Lễ hội Đền Bờ, Lễ hội Đình Khênh, Lễ hội Đình Khói, Lễ hội Đình Cổi,… góp phần bảo tồn và phát huy giá trị những di sản văn hóa của người Mường. Năm 2023, tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo tổ chức thành công Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường cấp tỉnh tạo ấn tượng tốt đẹp cho người dân và du khách, góp phần quảng bá di sản văn hóa độc đáo của người Mường./.