DetailController

Văn hóa

Phát huy giá trị của nền “Văn hoá Hoà Bình”

15/11/2022 00:00
Nền “Văn hoá Hoà Bình” được phát hiện và khai quật trong những năm 20 của thế kỷ XX. Nhà Khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani đã phát hiện và khai quật 54 di chỉ "Văn hoá Hoà Bình" ở miền Bắc Việt Nam, trong đó phần lớn các di chỉ nằm trên địa bàn tỉnh. Kết quả, một nền văn hoá thời đại đá sớm hơn so với "Văn hoá Bắc Sơn" đã được phát hiện.
Bảo tàng tỉnh lưu giữ các hiện vật của nền “Văn hoá Hoà Bình”

Tại hội nghị Tiền sử Viễn Đông lần thứ nhất tại Hà Nội tháng giêng năm 1932 (Hội nghị đầu tiên về khảo cổ trên đất Việt Nam), bà Madeleine Conali đã trình bày đầy đủ bằng chứng sự hiện diện một nền văn hoá cổ không giống những văn hoá tiền sử biết đến trước đó trên thế giới và tên gọi "Văn hoá Hoà Bình" do Madeleine Conali đề xuất đã được thông qua. Bà nổi danh trên thế giới từ đó qua sự chính thức công nhận nền "Văn hoá Hoà Bình" tại hội nghị này. Bà Madeleine Conali chính là người có công đầu trong việc phát hiện, nghiên cứu và đặt tên cho nền "Văn hoá Hoà Bình" hay nói cách khác nền "Văn hoá Hoà Bình" gắn liền với tên tuổi của nữ học giả Madeleine Conali.

Văn hoá Hoà Bình không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn xuất hiện và tồn tại ở nhiều quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á; kéo dài từ phía Nam Trung Quốc đến đảo Sumatra của Indonesia theo chiều dọc, từ Thái Lan qua Đông Dương sang tận Philippin theo chiều ngang và tồn tại trong khoảng thời gian dài từ cuối kỳ Pleistocene đến giữa kỳ Holocene.

Tại Việt Nam, các di tích "Văn hoá Hoà Bình" phân bố không đều, tập trung nhiều nhất tại hai tỉnh Hoà Bình (72 điểm) và Thanh Hoá (32 điểm), số còn lại phân bổ rải rác ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình và Quảng Trị. Các di tích chủ yếu tập trung ở các vùng núi đá vôi tại các thung lũng hoặc các hang động, mái đá.

Đến nay, tỉnh Hoà Bình có 10 di tích khảo cổ về "Văn hoá Hoà Bình" tiêu biểu được xếp hạng di tích quốc gia, gồm: Hang Tằm, xóm Rổng Tằm, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn; Hang Chổ, xóm Hui, xã Cao Răm, huyện Lương Sơn; Hang Muối, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc; Hang Bưng, xóm Nẻ, xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc; Hang Khoài, xóm Sun, xã Xăm Khoè, huyện Mai Châu; Hang Láng, xóm Chiềng Châu, huyện Mai Châu; Hang xóm Trại, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn; Mái đá Làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn; Động Tiên, xóm Lão Nội, xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy; Hang Đồng Thớt, xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy.

Tại Hội thảo 90 năm thế giới công nhận nền "Văn hoá Hoà Bình" (1932 - 2022) lần này được tổ chức vào ngày 23/11/2011 sẽ tập trung thảo luận 3 vấn đề chính đối với "Văn hoá Hoà Bình": Madeleine Conali và lịch sử nghiên cứu Văn hoá Hoà Bình; những phát hiện mới về Văn hoá Hoà Bình; bảo tồn và phát huy những giá trị của nền "Văn hoá Hoà Bình" trong thời kỳ hiện nay.

Cũng trong dịp này, nhằm chào mừng kỷ niệm 90 năm thế giới công nhận thuật ngữ "Văn hoá Hoà Bình", để phát huy những giá trị và quảng bá về nền "Văn hoá Hoà Bình", tỉnh Hoà Bình tổ chức một số hoạt động: Khai quật, chỉnh lý và viết sách về Hang Xóm Trại và Mái Đá Làng Vành; tổ chức đoàn đại biểu các Nhà khoa học nghiên cứu khảo cổ tham quan, nghiên cứu, trao đổi khoa học tại Hang Xóm Trại và Mái Đá Làng Vành; trưng bày hiện vật bảo tàng "Văn hoá Hoà Bình" trên đất Hoà Bình; tổ chức Cuộc thư viết về "Văn hoá Hoà Bình" trên Báo Hoà Bình; tổ chức khai trương tuyến đường mang tên Madeleine Conali và khánh thành bức phù điêu về bà Madeleine Conali tại thành phố Hoà Bình./.