DetailController

Thời sự trong ngày

Phấn đấu tăng trưởng nhanh, bền vững gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

11/02/2022 00:00
Sau bốn năm thực hiện cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, kinh tế tỉnh Hòa Bình đã đạt được những thành tựu quan trọng: tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm 2016 – 2020 đạt 6,31%/năm; quy mô kinh tế được mở rộng từ 36.852 tỷ đồng năm 2016 lên 51.962 tỷ đồng năm 2020; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 60,3 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đến năm 2020 tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 23,05%; ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 41,43%; ngành dịch vụ chiếm 30,27% và thuế sản phẩm chiếm 5,25%. Tốc độ tăng thu NSNN bình quân hàng năm đạt 10,2%. Khu vực kinh tế tư nhân được thúc đẩy phát triển, thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực. Cơ cấu vùng được chú trọng, chất lượng cuộc sống Nhân dân được nâng cao.
Kinh tế du lịch ngày càng được tỉnh chú trọng, vì phát huy được tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và phát triển xanh, bền vững

Tuy nhiên, quá trình cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém như: Mô hình tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng, chất lượng tăng trưởng chưa bền vững; cơ cấu kinh tế và cơ cấu nội bộ từng ngành chuyển dịch còn chậm, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế vẫn còn cao. Công nghiệp, dịch vụ phát triển còn chậm; thu NSNN chưa bền vững.

Nhằm phát huy tối đa nguồn nội lực, đồng thời thu hút nguồn lực từ bên ngoài để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, sớm rút ngắn khoảng cách phát triển với các tỉnh, tỉnh Hòa Bình chủ trương cơ cấu lại kinh tế dựa trên tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tăng trưởng nhanh, bền vững theo phương châm xanh, giữ gìn bảo vệ môi trường. Nâng cao năng lực lao động, tăng trưởng kinh tế đi đôi với nâng cao mức thu nhập, chất lượng cuộc sống người dân. Trong đó, tỉnh đặt mục tiêu: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bản tỉnh (GRDP) bình quân 5 năm 2021 – 2025 tăng từ 9% trở lên; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân 8%/năm; đến năm 2025 đạt 140 triệu đồng/lao động; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2021 – 2025 giảm 2,5-3%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản, đến cuối năm 2025 GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 100 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2021 – 2025 đạt trên 120.000 tỷ đồng, bình quân hàng năm tăng 8,2%. Phấn đấu trong 5 năm thu hút được 280 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng và 30 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 1.000 USD. Nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh, trong giai đoạn 2021 – 2025 mỗi năm tăng tối thiểu 3 bậc chỉ số năng lực cạnh tranh. Đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 63%. Đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP.

Để thực hiện mục tiêu trên, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trước hết là nâng cao chất lượng lập và quản lý quy hoạch; tập trung từ cải cách hành chính tới cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khuyến khích áp dụng đổi mới khoa học công nghệ trong sản xuất. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Trong giai đoạn này cần huy động nguồn vốn để phát triển các đô thị dọc các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đặc biệt là tuyến đường cao tốc Hòa Lạc – thành phố Hòa Bình, đường liên kết vùng Hòa Bình – Hà Nội…đến năm 2025, cơ bản hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, thúc đẩy quá trình phát triển đô thị thông minh, phát triển dựa trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Ưu tiên triển khai chuyển đổi số trong một số lĩnh vực có nhu cầu cao, có lợi thế cạnh tranh tại địa phương như: Giáo dục, y tế, nông nghiệp, văn hóa và du lịch, giao thông vận tải và logistics, tài nguyên và môi trường, tài chính – ngân hàng, sản xuất công nghiệp.

Tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế, tập trung nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của ngành kinh tế. Đối với nông nghiệp, thực hiện đề án phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; tập trung vào nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh gắn với quan tâm phát triển các kênh phân phối tiêu thụ dựa trên nền tảng số hóa. Tiếp tục thu hút đầu tư vào công nghiệp; bổ sung quy hoạch các khu, cụm công nghiệp mới, điều chỉnh các khu, cụm công nghiệp đã có đảm bảo đến năm 2025 diện tích đất phát triển khu, cụm công nghiệp bằng 1% diện tích tự nhiên của tỉnh; ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tạo quỹ đất công nghiệp sạch phục vụ thu hút đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh. Phát triển nhanh, đa dạng các loại hình và nâng cao chất lượng dịch vụ; phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với bảo tồn và phát huy bản sản văn hóa dân tộc; tập trung huy động các nguồn vốn để đầu tư phát triển các khu du lịch trọng điểm./.