DetailController

Tin từ các đơn vị

Phấn đấu năm 2022 có thêm ít nhất 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới

09/09/2022 00:00
Tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới 9 tháng đầu năm 2022 khoảng 1.135,82 tỷ đồng. Đến nay toàn tỉnh đã có 65/129 xã chiếm 50,4%; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 15,6 tiêu chí/xã; toàn tỉnh có 20 xã nông thôn mới nâng cao, đã có thông báo 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 60 Khu dân cư kiểu mẫu, 170 vườn mẫu. Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018, huyện Lương Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, huyện Lạc Thủy đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Đến nay toàn tỉnh có 100 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 22 sản phẩm 4 sao và 78 sản phẩm 3 sao.
Huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông các xã, đặc biệt là các xã vùng khó khăn của tỉnh

Chín tháng năm 2022, toàn tỉnh đã triển khai hiệu quả Kế hoạch 109/KH-UBND ngày 17/6/2022 của ủy ban nhân dân tỉnh Hoà Bình về Phong trào thi đua “Tỉnh Hoà Bình chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 theo Kế hoạch số 587/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp chủ động, trách nhiệm, tích cực tham gia thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, phấn đấu thực hiện các mục tiêu chủ yếu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên khó khăn hiện nay, ngân sách địa phương có hạn trong khi đó hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh phấn đấu về đích giai đoạn 2021 - 2025 đều nằm trong địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, khó thu hút đầu tư phát triển sản xuất dẫn đến thu nhập bình quân đầu người, đời sống của người dân không cao nên khó huy động được nguồn lực xã hội hóa. Nguồn lực yếu và thiếu trong khi khối lượng tiêu chí phải hoàn thành còn nhiều.

Theo Kế hoạch năm 2022 phải công nhận ít nhất 6 xã nông thôn mới, dự kiến hết năm 2022 sẽ hoàn thành đạt và vượt kế hoạch giao về số xã đạt chuẩn nông thôn mới và bình quân tiêu chí các xã trên địa bàn tỉnh. Đối với chỉ tiêu giao về số sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh, hiện đã có có 32 sản phẩm của 31 chủ thể (01 doanh nghiệp, 20 HTX, 04 tổ hợp tác và 06 hộ kinh doanh) đăng ký tham gia chu trình OCOP thường niên để đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2022. Dự kiến sẽ hoàn thành đạt và vượt kế hoạch giao.

Do đó từ nay tới cuối năm, các địa phương cần tập trung hướng dẫn, chỉ đạo các nhóm xã thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu đạt chuẩn theo kế hoạch. Đối với nhóm xã phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2022: Rà soát, xây dựng khung kế hoạch, lộ trình và cân đối, huy động các nguồn lực thực hiện các tiêu chí đảm bảo hoàn thành trong năm 2022; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình hạ tầng trên địa bàn xã; tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, ngành nghề nông thôn; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tạo việc làm, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân; xây dựng các Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và vườn mẫu; xây dựng các tuyến đường được trồng hoa, cây cảnh hai bên đường và có cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Đối với các xã được sáp nhập từ các xã đã có Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới: Tiếp tục rà soát các tiêu chí đạt chuẩn, trình cấp có thẩm quyền thừa nhận đã đạt chuẩn nông thôn mới; tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí, có kế hoạch, lộ trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã kiểu mẫu; xây dựng các Khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu làm nền tảng để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Đối với các xã được sáp nhập từ xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới với xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới và các xã còn lại: Rà soát, đánh giá thực trạng các tiêu chí nông thôn mới; tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt; chủ động huy động có hiệu quả các nguồn lực, tập trung chỉ đạo tạo sự chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực, tiêu chí, làm tiền đề phấn đấu đạt chuẩn những năm tiếp theo.

Tiếp tục quan tâm huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới; ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh; các địa phương chủ động cân đối dành một phần nguồn lực từ ngân sách địa phương hỗ trợ cho Chương trình xây dựng nông thôn mới và lồng ghép thực hiện với nguồn vốn của các chương trình khác để hoàn thành kế hoạch đề ra; Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã đăng ký đạt chuẩn trong giai đoạn 2021 - 2025. Quan tâm đến thực hiện một số tiêu chí còn đạt ở mức thấp; trong đó, có tiêu chí cần huy động nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nước sạch, môi trường,...; Tập trung, ưu tiên nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã; mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho cư dân nông thôn./.