Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong 2 năm 2011-2012 các địa phương đã đầu tư xây dựng trên 1.000 công trình cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển hải đảo; đầu tư trên 5.000 công trình hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi; trên 12.000 hộ nghèo tham gia các mô hình giảm nghèo. Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, tập trung đầu tư cho vùng khó khăn, địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao…Thông qua tác động, hiệu quả thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, tỉ lệ hộ nghèo cả nước và các huyện nghèo giảm nhanh, hoàn thành vượt mục tiêu quốc hội đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 9,6% (năm 2012, bình quân giảm 2,3%/năm; tỉ lệ hộ nghèo tại 62 huyện nghèo theo NQ 30a đã giảm từ 58,33% (năm 2010) xuống còn 43,89% (năm 2012).
Mục tiêu trong năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%, riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5% theo chuẩn nghèo hiện hành, tỷ lệ nghèo các huyện nghèo còn dưới 30%. Năm 2013, Quốc hội, Chính phủ bố trí vốn cho chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 5.031,207 tỉ đồng trong đó vốn đầu tư phát triển là 4.442,4 tỉ đồng, kinh phí sự nghiệp là 588,870 tỉ đồng.
Tại Hội nghị, đã có 14 ý kiến của lãnh đạo các Bộ, ngành và các địa phương phát biểu tập trung vào các vấn đề như đề nghị Trung ương, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục dành sự quan tâm hơn nữa cho công tác giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tập trung nguồn lực vào thực hiện các sách sách giảm nghèo đối với những địa bàn nghèo; nâng mức hỗ trợ sản xuất cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Đối với tỉnh ta, năm 2012 mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng các chính sách an sinh xã hội nói chung và chính sách xoá đói giảm nghèo nói riêng vẫn được quan tâm đầu tư nên đã cơ bản hoàn thành được chỉ tiêu xoá đói giảm nghèo. Cụ thể đã chủ động lồng ghép các chương trình dự án trên địa bàn như chương trình 135, 134, hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, hỗ trợ vốn tín dụng hộ nghèo, xây dựng các mô hình giảm nghèo…Tổng số hộ nghèo toàn tỉnh cuối ăm 2012 còn 43.263 hộ chiếm 21,73% giảm 4,36% so với năm 2011; tỉ lệ hộ cận nghèo còn 16,14%.
Phát biểu tại Hội nghị Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng xoá đói giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng. Phó Thủ tướng ghi nhận và biểu dương những kết quả mà các ngành, địa phương đã triển khai thực hiện trong công tác giảm nghèo. Tuy nhiên, trong thực hiện vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, đó là việc giảm nghèo nhanh nhưng chưa thực sự bền vững, vẫn còn có sự chênh lệch, giữa các vùng miền; một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến công tác giảm nghèo. Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành tập trung làm quyết liệt hơn nữa công tác giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; nghiên cứu các tiêu chí đánh giá về hộ nghèo để có các hình thức hỗ trợ phù hợp, đúng đối tượng. Bên cạnh đó cần tiếp tục có các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ các hộ cận nghèo, tránh tình trạng tái nghèo; thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đối với các địa phương cần bố trí ngân sách để thực hiện các chính sách giảm nghèo, dự án án thuộc chương trình giảm nghèo theo mục tiêu kế hoạch đề ra; tổ chức thực hiện lồng ghép các chính sách, chương trình dự án để thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo, tăng cường phân cấp cho cơ sở và mở rộng sự tham gia của người dân trong suốt quá trình thực hiện. Huy động thêm các nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp và người dân để thực hiện có hiệu quả, bền vững mục tiêu giảm nghèo đề ra.