Phát triển KTTT là chủ trường lớn của Đảng và Nhà nước, được xác định nhất quán và xuyên suốt tại các nghị quyết Đại hội Đảng. Tuy nhiên thực tế triển khai cho thấy, mặc dù đã có sự chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả bước đầu đáng khích lệ nhưng sự phát triển của khu vực KTTT, HTX vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương. Trong giai đoạn 2011 – 2020, số lượng HTX của tỉnh tăng theo từng năm, chất lượng hoạt động của các HTX dần được nâng lên, tự đổi mới và phát triển, bước đầu thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò quan trọng và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, xã hội của khu vực kinh tế này.
Theo số lượng thống kê, đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 198 tổ hợp tác (THT) hoạt động. Trong giai đoạn 2011 – 2020, trên địa bàn tỉnh có 150 THT được thành lập mới và 173 THT bị giải thế, trong đó có trên 40% THT thực hiện giải thể để phát triển thành HTX.
Về HTX, từ ngày Luật HTX 2012 chính thức có hiệu lực, các HTX đã thực hiện cơ cấu lại tổ chức và chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp với các quy định mới. Trong giai đoạn 2013 – 2020 có tới 277 HTX cũ không đủ điều kiện và ngừng hoạt động lâu năm giải thể tự nguyện, 53 HTX chuyển sang hoạt động mô hình THT và doanh nghiệp, 89 HTX đủ điều kiện được đăng ký lại và chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012. Giai đoạn 2011 – 2020, tỉnh Hòa Bình có 390 HTX được thành lập mới và 359 HTX giải thể. Ước đến hết năm 2020, các HTX đang hoạt động có khoảng gần 13.000 thành viên (tăng 57% so với năm 2011) và tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 21.600 lao động (tăng 157% so với năm 2011), phần lớn thành viên HTX là các hộ gia đình (chiếm 97,5%). Tổng nguồn vốn hoạt động của các HTX trên 848 tỷ đồng, trung bình khoảng 2,1 tỷ đồng/HTX. Ước tính thu nhập bình quân của 1 hộ thành viên HTX đạt khoảng 45 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân lao động làm việc trong HTX khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 01 liên hiệp HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Liên hiệp gồm 4 HTX thành viên và 190 lao động thường xuyên.
Trong giai đoạn qua, tỉnh cũng đã triển khai thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX phát triển. Trong đó tập trung hỗ trợ chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất; hỗ trợ tiếp cận vốn phát triển….các chính sách, hỗ trợ đã góp phần tăng thêm nguồn lực, nâng cao chất lượng, tạo động lực cho các HTX phát triển mạnh mẽ hơn; từ đó, nhiều HTX đã đưa được sản phẩm tới thị trường trong nước và xuất khẩu, hoạt động ổn định và cho thu nhập khá.
Thành quả trên là cơ sở vững chắc cho KTTT, HTX phát triển lớn mạnh hơn nữa, đặc biệt đối với một tỉnh mạnh về phát triển nông nghiệp như Hòa Bình. Nhận thức rõ việc hợp tác và phát triển là xu thế tất yếu nhằm phát triển bền vững, tăng trưởng xanh; đi đôi với cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp cần an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng cao, do đó các HTX cần chủ động đổi mới, phát triển để sản xuất được những sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Trên cơ sở thực tiễn và dự báo tình hình giai đoạn tới, tỉnh Hòa Bình xác định mục tiêu: Đến năm 2030, đưa khu vực KTTT thực sự trở thành lực lượng to lớn, cùng kinh tế nhà nước dần trở thành nền tảng của kinh tế quốc dân, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển cả về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Mục tiêu cụ thể, phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các THT, HTX, Liên hiệp HTX, phấn đấu có ít nhất 560 HTX vào năm 2025 và 730 HTX vào năm 2030. Giai đoạn 2021 – 2030, khu vực KTTT, HTX có mức tăng trưởng bình quân doanh thu đạt khoảng 6 – 8%/năm; tăng trưởng bình quân số thành viên đạt khoảng 2-4%/năm; tăng trưởng bình quân mức đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt khoảng 8 – 10%/năm; các xã đạt chuẩn NTM đều có HTX hoạt động hiệu quả theo đúng quy định của Luật HTX 2012. Đến năm 2030, nâng tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả lên trên 85%, tỷ lệ HTX yếu kém dưới 2%.
Trong đó sẽ tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về KTTT, HTX; tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với HTX, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển HTX; Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX hiệu quả. Huy động và cân đối các nguồn lực của địa phương tham gia hỗ trợ phát triển KTTT, HTX; khuyến khích hỗ trợ các đoàn thể chính trị xã hội, hội nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài tham gia thúc đẩy thành lập HTX, phát triển KTTT địa phương…/.