Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung đầu tư một số công trình trọng điểm nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, mở rộng không gian, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa và cảnh quan đô thị. Các dự án đầu tư xây dựng đô thị trên địa bàn tỉnh được nhà nước và các doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng, một số công trình đã hoàn thành như: Khu Trung tâm thương mại Bờ trái sông Đà, Khu dân cư bắc Trần Hưng Đạo, Khu nhà ở thương mại Vincom, Khu dân cư Cảng chân Dê…Nhiều dự án khác hiện đang tiếp tục được các nhà đầu tư đề xuất triển khai trên toàn tỉnh.
Tỉnh Hòa Bình quy hoạch 17 khu xử lý chất thải rắn với tổng công suất 2.670 tấn/ngày và 19 trạm xử lý nước thải với tổng công suất xử lý 81.100m³. Một số khu xử lý chất thải rắn đang thực hiện thủ tục đầu tư như: Khu xử lý rác thải tại xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy; Khu xử lý chất thải rắn tại xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy. Thành phố Hòa Bình đang đầu tư xây dựng Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải nguồn vốn ODA của Ngân hàng tái thiết Đức (KFW). Bên cạnh đó, hệ thống các nghĩa trang phát triển mạnh với chất lượng ngày càng cao, đã xây dựng Công viên Nghĩa trang Lạc Hồng Viên tại xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình; Công viên Nghĩa trang An Viên Vĩnh Hằng tại phường Thống Nhất, thành phố Hòa Bình; Viện dưỡng lão và công viên tâm linh Vĩnh hằng tại xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình.
Đối với hệ thống cấp nước, Công ty Cổ phần Nước sạch Hòa Bình là đơn vị cung cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Hiện Công ty có 12 nhà máy/trạm cấp nước với công suất thiết kế 42.399m³/ngày, hiện đang khai thác với công suất 39.150 m³/ngày, tổng chiều dài đường ống cấp nước là 747.000m/ Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có Nhà máy nước khu công nghiệp bờ trái sông Đà, công suất 300.000m³/ngày, đang đầu tư lên thành 600.000m³/ngày. Công ty cổ phần nước Aqua One đang đầu tư xây dựng Hệ thống cấp nước Xuân Mai với công suất thiết kế 600.000m³/ngày.
Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế, việc phát triển hạ tầng giao thông đô thị mới chưa được triển khai đồng đều. Hạ tầng giao thông đô thị nhìn chung chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Công tác lập quy hoạch đô thị chưa hiệu quả. Đa số các khu xử lý chất thải chưa được đầu tư nên công xuất chất thải rắn chưa đáp ứng yêu cầu. Các đô thị chủ yếu vẫn bám theo tuyến Quốc lộ, mạng tính chất đô thị hành chính, các quỹ đất để mở rộng, phát triển còn hạn chế.
Theo Đề án Hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản đồng bộ hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đối khí hậu được Tỉnh ủy phê duyệt ngày 26/8/2021, tỉnh Hòa Bình đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 38%. Phát triển đô thị tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Phát triển đô thị gắn liền với phát triển nông thôn và sử dụng hiệu quả quỹ đất trong đô thị. Chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và kiểm soát chất lượng môi trường đô thị, kết hợp hài hòa giữa cải tạo, xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái, tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu tại các đô thị.
Tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị thành phố Hòa Bình; thị trấn Lương Sơn, thị trấn Mai Châu và các loại đô thị khác theo quy hoạch. Nâng cấp đô thị thành phố Hòa Bình đạt tiêu chí loại II, huyện Lương Sơn cơ bản đạt các tiêu chí cấp hành chính thị xã Lương Sơn, thị trấn Mai Châu và các xã phụ cận đạt tiêu chí đô thị loại IV, thị trấn Mãn Đức đạt tiêu chí đô thị loại V, các thị trấn được mở động đạt tiêu chí đô thị loại V. Đường đô thị cơ bản đạt cấp kỹ thuật theo quy hoạch, mặt đường 100% bằng bê tông nhựa hoặc bê tông xi măng./.