DetailController

Kinh tế

Phấn đấu để các xã vùng cao huyện Tân Lạc đạt tiêu chuẩn khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030

27/09/2022 00:00
Tân Lạc có vị trí địa lý thuận lợi, tiếp giáp với các khu vực có du lịch phát triển của tỉnh như Mai Châu, Cao Phong, hồ Hòa Bình; gần với các địa phương có du lịch phát triển trong khu vực như Vân Hồ, Mộc Châu (Sơn La), khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Thanh Hóa). Tân Lạc có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú: tài nguyên du lịch tự nhiên gắn với cảnh quan núi rừng Tây Bắc hùng vỹ, với đầy đủ các giá trị tài nguyên sông, suối, hồ, hang động, thác nước, núi, rừng, đèo,...; tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc gắn với văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường (chiếm 85% dân số huyện). Các xã vùng cao huyện Tân Lạc gồm Vân Sơn, Quyết Chiến và Ngổ Luông, cách trung tâm huyện khoảng 20 km về phía Tây, có diện tích tự nhiên 12.038 ha, dân số 8.700 người. Nơi đây sở hữu nguồn tài nguyên đa dạng, tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa đặc sắc, phong phú, hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển du lịch.
Điểm du lịch cộng đồng xóm Chiến xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc

Hoạt động du lịch các xã vùng cao huyện Tân Lạc mới chỉ thực sự được bắt đầu từ năm 2019 nhưng đạt được những kết quả đáng ghi nhận: thu nhập từ dịch vụ du lịch cộng đồng đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân, đường làng ngõ xóm được chỉnh trang sạch đẹp; nếp sống, văn hóa ứng xử thân thiện, mến khách; bản sắc văn hóa, hình ảnh mảnh đất, con người các xã vùng cao được được lan tỏa; nhiều mặt hàng nông sản được giới thiệu, bán cho khách tham quan. Năm 2019 có khoảng trên 10 nghìn lượt khách du lịch tới với các xã vùng cao huyện Tân Lạc, trong đó có khoảng 30% (3.000) lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú; còn lại là khách tham quan trong ngày. Doanh thu từ hoạt động du lịch mang lại trong năm 2019 khoảng 2,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, du lịch các xã vùng cao huyện Tân Lạc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ, tuyến giao thông kết nối với hạ tầng giao thông quốc gia còn chật hẹp, nhiều tuyến đường liên xã, liên xóm kết nối với các điểm tài nguyên chưa được đầu tư tu bổ, nâng cấp nên đi lại khó khăn; hạ tầng cấp nước sạch, hệ thống xử lý rác thải, nước thải, nhà vệ sinh công cộng còn thiếu; cơ sở lưu trú rất ít (chỉ có 03 hộ kinh doanh homestay), chưa có cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng cao cấp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí, mua sắm cũng rất hạn chế; nhiều điểm tài nguyên hấp dẫn, có tiềm năng chưa được đầu tư khai thác.

Với mục tiêu chung tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp, từ tỉnh đến cơ sở nhằm phát triển du lịch vùng cao nói chung, vùng cao huyện Tân Lạc nói riêng. Thời gian qua, tỉnh và huyện đã quan tâm và tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất nhằm phát triển du lịch cho các xã. Nhiều tuyến đường giao thông được xây dựng, tu sửa, nâng cấp như: Tuyến đường tỉnh lộ 440 nối quốc lộ 6 (tại ngã ba chợ Lồ) với các xã vùng cao; đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn đi Tân Lạc (qua địa bàn các xã vùng cao); đường 312A kết nối các xã vùng cao huyện Tân Lạc với huyện Mai Châu (Hòa Bình) và huyện Bá Thước (Thanh Hóa) và một số tuyến đường liên xã, liên thôn đã được nâng cấp, bê tông hóa.  Nhiều cơ sở lưu trú đã được xây dựng và đang tiếp tục được đầu tư, một số dự án đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, chuẩn bị khởi công xây dựng thực hiện như: Dự án Khu nghỉ dưỡng sinh thái và bảo tồn thiên nhiên Thung Lũng Mây; dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Lũng vân Ecolodge; dự án Khu du lịch Sinh thái - Văn hoá cộng đồng và bảo tồn tự nhiên xóm Chiến. Dự án Khu nhà nghỉ dưỡng kết hợp khu dân cư thương mại trung tâm Vân Sơn - Tân Lạc; Khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái Hồ Hòa Bình…

Phấn đấu để các xã vùng cao huyện Tân Lạc đạt tiêu chuẩn khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030; góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có tỷ trọng, tốc độ, chất lượng tăng trưởng cao, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và có sức cạnh tranh mạnh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện môi trường, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh Hòa Bình. Ngày 14/01/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Chương trình số 06/Ctr-UBND về công tác trọng tâm của Ủy ban nhân dân tỉnh năm 2022. Theo đó, UBND tỉnh đã giao UBND huyện Tân Lạc chủ trì, tham mưu xây dựng Tờ trình Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để có căn cứ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc thực hiện Đề án “Xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” .

Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành cơ bản 50% điều kiện để công nhận các xã vùng cao huyện Tân Lạc thành khu du lịch cấp tỉnh. Đón được 50.000 lượt khách du lịch (khoảng 5.000 lượt khách quốc tế), trong đó có khoảng 30.000 lượt khách lưu trú; doanh thu xã hội từ du lịch đạt khoảng 30 tỷ đồng. Thu hút các nhà đầu tư lớn tham gia phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp, phấn đấu có ít nhất 01 khu nghỉ dưỡng cao cấp đạt chuẩn 3 - 5 sao được đưa vào khai thác với quy mô 50 - 60 buồng lưu trú; có khoảng 20 - 30 hộ kinh doanh homestay, cung cấp khoảng 400 - 600 giường ngủ phục vụ khách du lịch.Tạo việc làm cho khoảng 750 lao động địa phương, trong đó, lao động trực tiếp khoảng 250 người. Du lịch góp phần nâng cao thu nhập và mức sống của người dân địa phương, các vấn đề về văn hóa, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe được cải thiện, cụ thể: thu nhập bình quân đầu người đạt 40 - 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15%, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm còn 2%, số hộ gia đình văn hóa đạt 75%, số thôn/xóm đạt chuẩn làng văn hóa là 85%.

Đến năm 2030 phấn đấu hoàn thành 100% điều kiện và được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh. Đón được 115.000 lượt khách du lịch (khoảng 15.000 lượt khách quốc tế), trong đó khách lưu trú đạt khoảng 70.000 lượt; doanh thu xã hội từ du lịch đạt khoảng 100 tỷ đồng. Có từ 3 - 4 khu nghỉ dưỡng cao cấp đạt chuẩn 3 - 5 sao với quy mô 150 - 200 buồng lưu trú; có khoảng 40 - 50 hộ kinh doanh homestay, cung cấp khoảng 800 - 1.000 giường ngủ phục vụ khách du lịch. Tạo việc làm cho khoảng 2.500 lao động địa phương, trong đó, lao động trực tiếp khoảng 800 người. Du lịch góp phần tạo việc làm và sinh kế bền vững cho người dân các xã vùng cao, các vấn đề về văn hóa, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe được tăng cường, cụ thể: thu nhập bình quân đầu người đạt 50 - 55 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10%, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm còn 1,5%, số hộ gia đình văn hóa đạt 80%, số thôn/xóm đạt chuẩn làng văn hóa tăng 90%.

Đặc biệt, tầm nhìn đến năm 2050 phấn đấu xây dựng xã Vân Sơn trở thành thị trấn của huyện Tân Lạc, là trung tâm tiếp đón và phân phối khách du lịch đến các xã vùng cao và các khu vực lân cận. Du lịch các xã vùng cao trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, là điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần tích cực cho du lịch huyện Tân Lạc và tỉnh Hòa Bình. Du lịch thực sự mang lại giá trị, lợi ích to lớn cho cộng đồng; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh Hòa Bình./.