DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Nông dân học bán hàng

03/08/2012 00:00
120 cán bộ, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi Hòa Bình đã tham gia lớp tập huấn khởi sự kinh doanh và marketing sản phẩm - kết nối thị trường do Hội ND tỉnh tổ chức.

Họ đã được học tính giá thành, định giá bán, hạch toán lợi nhuận, quản lý tài chính trong sản xuất kinh doanh.

Từ khi tham gia lớp tập huấn, ý thức làm ăn của những ND này chuyên nghiệp và bài bản hơn . Họ quan tâm hơn tới nguồn gốc xuất xứ và biết cách giới thiệu, tạo thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của mình.

Theo chị Cấn Thị Thu -Trưởng ban Kinh tế - Xã hội (Hội ND tỉnh Hòa Bình): "Hiện nay người tiêu dùng quan tâm tới nhãn hiệu hàng hóa, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, đặc biệt là nông sản, thực phẩm. Trong khi đó hàng hóa trên thị trường ngày càng đa dạng, người tiêu dùng cần được chỉ dẫn để có những lựa chọn chính xác, nhanh chóng đối với những sản phẩm hàng hóa cần tiêu dùng. Vì thế việc hướng dẫn ND về thị trường tiêu thụ và marketing cho chính sản phẩm mình làm ra là rất cần thiết".

Cũng như ND nhiều nơi khác, hầu hết ND Hòa Bình làm ra sản phẩm và tự ra chợ bán. Bà con chưa biết cách ghi chép, hạch toán doanh thu, lợi nhuận.

Chị Thu cho biết, việc Hội ND tỉnh mở lớp tập huấn khởi sự kinh doanh và marketing sản phẩm - kết nối thị trường nhằm giúp ND biết cách hạch toán trong quá trình sản xuất kinh doanh, biết cách quảng bá sản phẩm, bán hàng... Đến nay, Hội đã mở được 7 lớp tập huấn, mỗi lớp 30 học viên. Trước khi mở lớp, Ban tổ chức lấy phiếu trưng cầu ý kiến, hội viên nào có nhu cầu tham gia lớp học và đáp ứng được các điều kiện ban tổ chức đưa ra thì sẽ được tham gia lớp học.

Các chi hội ND lập thành các nhóm như nhóm rau, quả, lúa rồi cử các trưởng nhóm đi học. Học xong về địa phương, học viên này sẽ hướng dẫn lại những kiến thức mình tiếp thu tại lớp học cho các thành viên trong nhóm.

Theo chị Thu, "nhờ được trang bị các kỹ năng bán hàng, cách tính giá thành, định giá bán cho sản phẩm, tìm thị trường ổn định cho sản phẩm nên học viên thấy có trách nhiệm với sản phẩm làm ra, trách nhiệm với xã hội, cộng đồng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất".

Chị Nguyễn Thị Thanh, thôn Sơn Phú, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, học viên lớp học cho biết: "Gia đình tôi trồng lúa và mía. Trước đây sau mỗi vụ thu hoạch mía, lúa, tôi mang ra chợ bán đổ cho các thương lái hoặc ai có nhu cầu thì đến vườn đặt mua nên thường bị ép giá. Tham gia lớp tập huấn, tôi đã biết tính giá thành, định giá bán cho sản phẩm của mình, hạch toán doanh thu và biết tự trả công cho chính mình".

Cùng học lớp với chị Thanh, anh Nguyễn Văn Thuận, xóm Bu Chằm, xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn phấn khởi nói: "Đây là lần đầu tiên tôi biết thế nào là marketing sản phẩm, biết giá trị của sản phẩm mình làm ra, biết cách kết nối thị trường để tìm nơi tiêu thụ ổn định. Không những thế, khi tham gia lớp học tôi còn được thực hành luôn tại lớp, đảm bảo những kỹ năng mà mình học được có thể áp dụng ngay. Khi về đến địa phương, mình hướng dẫn lại cho bà con những kiến thức mình đã học được..."