DetailController

Khoa học - Môi trường

Những người giữ rừng cho phố

15/06/2011 00:00
Thành phố Hoà Bình đang đổi thay từng ngày. Những quả đồi, những bờ ruộng đang dần bị thu hẹp bởi quá trình đô thị hoá. Nhưng có hai người quyết tâm trồng, bảo vệ cánh rừng lim có hàng trăm năm nay giữa lòng thành phố. Họ mong ước cánh rừng này là lá phổi xanh cho thành phố trong tương lai.
Ngày nào cũng vậy, ông Nghiêm và ông Tý đi tuần bảo vệ rừng lim cổ thụ ở xóm Bái Yên, xã Dân Chủ (thành phố Hòa Bình).

 

Sản vật của đất.
 
Nhấp xong chén trà, ông Hoàng Văn Hon - trưởng xóm Bái Yên, xã Dân Chủ (thành phố Hoà Bình) chậm rãi: Cánh rừng này có lâu lắm rồi! Từ lúc sinh ra tôi đã thấy có những cây cổ thụ. So với bây giờ, những cây đó lớn lên không là mấy. Tôi cũng chỉ nghe các cụ nói là từ thời quan lang bắt người dân trồng rừng lim này để họ làm nhà. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, người dân xóm Bái Yên cũng như xã Dân Chủ luôn bảo vệ rừng lim. Mọi người coi đây như là một sản vật linh thiêng của trời đất và cha ông để lại. Mỗi khi nhắc đến khu rừng lim cổ thụ, các cụ cao niên trong xóm đều tỏ thái độ rất trân trọng. Mỗi gốc cây lim là một viên ngọc quý còn xót lại của đại ngàn Tây Bắc. Bao đời nay, dưới khu rừng lim già, người dân trong xóm luôn đoàn kết, sống đùm bọc, che chở nhau. Có được sự yên bình đó đều nhờ có rừng già che phủ. Họ coi đây là linh vật của đất đã ban cho xóm. Có rừng là có nước, có thức ăn, có suối nguồn tuôn chảy. Ý thức được điều đó nên họ không phá rừng. Để bảo vệ cánh rừng, người dân trong xóm đã lập ra một tổ bảo vệ rừng gồm những thanh niên trai tráng, những người tâm huyết thường xuyên tuần tra rừng.
 
Những năm tháng chiến tranh qua đi, khu rừng này vẫn không bị tàn phá bởi giặc Pháp. Vào những năm 90 của thập kỷ trước “cơn sốt” gỗ quý, lâm tặc luôn rình rập đến những cây lim cổ thụ có hàng trăm năm. Đây là miếng mồi béo mà ít lâm tặc nào bỏ qua. Tổ bảo vệ rừng hoạt động ngày càng lỏng lẻo nên tạo sơ hở cho lâm tặc hoạt động. Vào ban đêm, chúng dùng cưa cắt cây mang đi. Đến sáng hôm sau, mọi người đến chỉ còn những cành cây đổ ngổn ngang. Trước những cảnh đau lòng đó, ông Nguyễn Tiến Tý cùng ông Nguyễn Văn Nghiêm đứng ra bảo vệ và phục hồi rừng lim cổ thụ. 
 
Hai chàng “ngự lâm”
 
Dẫn chúng tôi đi thăm khu rừng giữa trời mùa hè, ông Tý và ông Nghiêm hồ hởi kể chuyện về rừng lim. Năm 2001, khi hai ông nhận trông giữ cánh rừng này cây thưa thớt. Đêm đêm lâm tặc vào rừng chặt phá. Ông bảo: Mình ở đây nó rút, mình rút thì nó lên rừng. Những đối tượng này chủ yếu ở địa bàn khác đến, chúng có thể ngồi hàng ngày, hàng đêm để rình. Tiếc lắm! Nhìn những gốc cây bị chặt ai mà chẳng xót xa. Hàng trăm năm các cụ mình mới trồng được một cây rồi gìn giữ qua bao thế hệ. Thế mà chỉ trong một đêm lâm tặc chặt hạ được. Thấy cảnh xót xa đó, ông Tý viết đề án bảo tồn và gìn giữ rừng lim, đồng thời đưa vào khai thác du lịch sinh thái. Mải câu chuyện, chúng tôi vào tới cửa rừng, hàng loạt âm thanh vui nhộn quen thuộc được tấu lên, ve kêu gọi hè rộn vang, chim hót líu lo. Lại nghe tiếng chân bước lạo xạo trên lá khô. Tất cả như tạo nên bản nhạc rừng êm ái. Giữa trời hè nóng bức nhưng khi đứng dưới tán rừng, trời dịu mát hẳn. Khu rừng giống một chiếc điều hoà khổng lồ vậy. Ngay cả những tia nắng mặt trời cũng không thể xuyên qua nồi tầng lá ken dầy. Những gốc lim xù xì 2 người ôm không hết mọc lên san sát. Chúng đứng vững chãi như người khổng lồ, vươn những cánh dài ra xung quanh để đón ánh nắng mặt trời. Cây nọ nối tiếp cây kia tạo thành một cái ô khổng lồ giữa đất trời.