Nhẹ nhàng, bình tĩnh tìm hiểu cơ sự, nắm rõ đầu đuôi sự việc, phân tích ai đúng, ai sai và dùng cái tình, cái lý, “một điều nhịn, chín điều lành” giúp đôi bên nhận rõ phải trái, cùng nhau làm hòa một cách êm thấm, giữ cho gia đình, làng xóm yên vui. Có người nói họ là những người “ăn cơm nhà đi lo chuyện làng xã” nhưng điều đó không làm họ phật lòng. Bởi trong thâm tâm họ chỉ nghĩ một điều đơn giản: mong muốn giữ hòa khí tình làng, nghĩa xóm, không để chuyện bé xé ra to, mâu thuẫn nhỏ thành mâu thuẫn lớn. Họ là những hòa giải viên cơ sở đầy nhiệt huyết, nhiệt tình, luôn đem hết tâm sức để hàn gắn những rạn nứt nảy sinh trong cuộc sống thường ngày, góp tay xây dựng làng xóm yên vui, quê hương bình yên, phát triển. Họ như những người giữ cho ngọn lửa tình làng, nghĩa xóm luôn cháy sáng, lan tỏa nồng ấm yêu thương.
Hòa giải lúc... nửa đêm
Nhắc đến hòa giải viên, nhiều người thường nghĩ đó phải là những người cứng tuổi lắm, nhưng không ít hòa giải viên khi gặp khiến chúng tôi bất ngờ vì tuổi đời tuy còn trẻ nhưng đã có “thâm niên” trong công tác hòa giải. Bùi Văn Nam, hòa giải viên thôn Thao Cả, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) là một trong số đó. Sinh năm 1980, đã có 6 năm làm hòa giải viên cơ sở. Tham gia công tác hòa giải không chỉ giúp anh giải quyết tốt các vụ việc, mâu thuẫn xảy ra mà còn giúp anh đạt kết quả cao trong hội thi “Hòa giải viên giỏi tỉnh” lần thứ III năm 2012 được tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua. Là thí sinh đầu tiên của hội thi nhưng với bản lĩnh, kinh nghiệm của người nhiều năm tham gia hòa giải đã giúp anh trả lời các câu hỏi, tình huống đặt ra một cách xuất sắc và giành giải nhất hội thi. Anh cho biết: Làm công tác hòa giải không kể giờ giấc, cứ lúc nào có chuyện xảy ra thì mình phải là người có mặt trước tiên. Không chờ có người đến thông báo, không có quy định ràng buộc, chỉ nghe tin trong xóm, trong làng chỗ nào lộn xộn là mình phải đến ngay. Anh đã tham gia hòa giải nhiều vụ việc trong xóm như tranh chấp đất đai, đánh nhau trong đám thanh niên làng, giữa thanh niên làng khác đến làng chơi sinh chuyện, mâu thuẫn gia đình... Gần đây là vụ việc con đánh bố, mẹ mà khi hòa giải xong nhìn lên đồng hồ đã chỉ 12 giờ đêm. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên B.C.H phải đi làm xa, vợ con ở nhà cùng bố mẹ. Trong một lần về thăm nhà, H. rủ bạn bè tụ tập uống rượu. Tối về nhà, bố, mẹ H. nhắc nhở con trai đi làm xa kiếm được chút tiền mà không tiết kiệm lo chi tiêu gia đình và lo cho vợ con lại đi rượu chè. Vốn thanh niên nóng tính, lại đang sẵn có tí men trong người, H. nổi xung đập phá đồ đạc. Nghe gia đình H. có chuyện, anh vội vàng chạy sang gặp cảnh H. đang cãi lại bố mẹ, tay cầm ghế ném bố, người mẹ vào can bị ghế đập trúng đầu phải đưa ra trạm y tế cấp cứu. Sau khi đưa người bố đến một nơi khác tạm lánh, về nhà gặp H. trò chuyện. Vẫn đang cơn nóng, anh để cho H. một hồi phân trần rồi mới nhẹ nhàng phân tích cho H. thấy việc làm của H. là đúng hay sai, về trách nhiệm của người chồng, người cha, người đàn ông trụ cột trong gia đình, về bổn phận, đạo hiếu của người làm con đối với cha mẹ. Thấy tình hình êm êm mới trở về nhà khi đã bước sang ngày mới. Sáng ra, H. chủ động dọn dẹp lại nhà cửa, rồi dần dần mua sắm đồ đạc, không khí gia đình hòa thuận, vui vẻ trở lại. Với số tiền đi làm tiết kiệm được, Tết này, H. đã có thể sắm thêm nhiều đồ đạc, vật dụng mới cho gia đình, trang hoàng lại nhà cửa để đón Tết, vui xuân.
Câu chuyện của hòa giải viên Nguyễn Thị Hoài, xóm Rậm, xã Cư Yên (Lương Sơn) không khó để bắt gặp vẫn còn đâu đó trong những gia đình phía sau lũy tre làng. Xóm có một gia đình kinh tế gọi là khá giả, vợ chồng có 2 con. Chồng làm thợ xây, vợ làm ở nhà máy gạch. Người chồng tính hay ghen, thấy vợ thường đi làm về muộn nghi ngờ vợ có người đàn ông khác bên ngoài. Một ngày vợ vừa đi làm về, chẳng nói chẳng rằng, người chồng lấy cây gậy lao vào đánh. Nghe tiếng kêu la, chị Hoài cùng mọi người chạy đến can ngăn tách được hai anh chị ra. Chị vợ nằng nặc đòi ly dị, không chịu được cảnh sống khổ sở vì người chồng hay ghen. Hiểu được nội tình sự việc, chị Hoài dùng lời lẽ ân cần khuyên nhủ hai vợ chồng phải khéo léo trong cách cư xử. Anh chồng không nên ghen tuông thái quá, có chuyện gì nên hỏi vợ cho rõ ngọn ngành đầu đuôi. Chị vợ cần hiểu tâm lý của chồng mà tâm sự, chuyện trò để chồng hiểu công việc của mình. Giữa hai vợ chồng phải thường xuyên tâm tình, chia sẻ với nhau về mọi điều trong cuộc sống, cùng vun đắp hạnh phúc gia đình. Vừa bằng tình cảm, vừa viện dẫn quy định của pháp luật về hành vi đánh vợ của anh chồng là sai có thể bị xử phạt hành chính, gây hậu quả nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhờ đó, chị Hoài đã giúp hai vợ chồng cùng tìm ra lỗi lầm để sửa đổi, gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Ở đâu cần hòa giải - ở đó có hòa giải viên
Ông Quách Đình Minh, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Toàn tỉnh hiện có trên 2.000 tổ hòa giải phủ khắp thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư với trên 11.000 hòa giải viên. Hàng năm, các tổ hòa giải tiếp nhận, giải quyết hàng nghìn vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 80%. Bằng sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm, dành hết tâm sức cho công tác hòa giải, đội ngũ hòa giải viên đã tham gia tích cực vào việc giải quyết các mâu mắc nảy sinh tại cơ sở, góp phần giữ gìn AN-TT, tuyên truyền, PBGDPL sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân.
Không quản ngại ngày đêm, dù nắng hay mưa, luôn là những người đi trước một bước, các hòa giải viên có mặt kịp thời tại nơi xảy ra vụ việc nắm bắt tình hình. Với họ, dù chỉ là một xích mích nhỏ nhưng không được giải quyết ngay để dây dưa kéo dài cũng khiến làng xóm không được yên vui. Bà Xa Thị Ngọc, Trưởng phòng Tư pháp huyện Đà Bắc cho hay: Điều đáng ghi nhận ở đội ngũ hòa giải viên là sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm. Khi có vụ việc xảy ra, bất kể thời gian nào, dù đang bận việc gì họ cũng đều tạm gác lại để lo giải quyết chuyện của làng, xóm. Thành viên của các tổ hòa giải là đại diện của các đoàn thể như: Phụ nữ, CCB, NCT, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, bằng kinh nghiệm sống và uy tín của mình đã góp phần đưa tỷ lệ hòa giải thành đạt cao. Anh Bùi Văn Nam chia sẻ: Khi có mâu thuẫn xảy ra đôi bên cùng nóng giận, nhiều người tính khí còn rất nóng nảy đòi hỏi người hòa giải phải kiên nhẫn, tận tình, dùng lời nói nhẹ nhàng để làm dịu tình hình. Bằng lý lẽ, tình cảm phân tích cho hai bên hiểu, điều mình nói thấu tình đạt lý thì mọi chuyện sẽ êm xuôi. Tuy có vất vả nhưng sau mỗi vụ hòa giải thành mang lại hòa khí cho đôi bên cảm thấy rất vui, nhất là những khi ngồi vui uống nước, các đương sự kể lại chuyện cũ nhờ có các hòa giải viên mà không mất đi tình cảm gia đình, làng xóm, anh em, giữ được trong ấm ngoài êm. Điều đó chính là nguồn động viên lớn để mỗi hòa giải viên lại tiếp tục bền bỉ, kiên trì “ăn cơm nhà đi lo chuyện làng xã”.
Mưa dầm thấm lâu, công tác hòa giải ở cơ sở đã giải quyết những bức xúc, mâu mắc nhỏ cho bà con. Không chỉ giúp người dân hiểu biết chính sách pháp luật, hạn chế việc đơn thư KN-TC mà còn mang lại mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm khăng khít, đoàn kết trong nhân dân, hàn gắn tình thân trong gia đình. Hòa giải thành góp phần tạo được lòng tin của người dân đối với chính quyền địa phương, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân chung tay xây dựng quê hương bình yên, đổi mới, phát triển.
Hà Thu