DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Những khó khăn, bất cập trong đầu tư và quản lý khu vui chơi cho trẻ em tại xã Bắc Phong, huyện Cao Phong

25/06/2013 00:00
Là xã nằm cách trung tâm huyện Cao Phong khoảng vài km. Năm 2007, Bắc Phong được tổ chức Childfund Việt Nam đầu tư xây dựng cho một khu vui chơi giải trí cho trẻ em. Tuy nhiên, sau 5 năm đi vào hoạt động hiện nay công trình này đang không phát huy được hiệu quả theo yêu cầu và mục đích khi triển khai xây dựng công trình.
Khu vui chơi giải trí ở xã Bắc Phong, huyện Cao Phong đang bị xuống cấp

 Ông Bùi Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Bắc Phong cho biết, khu vui chơi giải trí cho trẻ em ở xã Bắc Phong huyện Cao Phong (Hòa Bình) được Childfund Việt Nam (ChildFund Việt Nam là văn phòng đại diện cho ChildFund Australia, một tổ chức phát triển quốc tế độc lập và phi tôn giáo, làm việc nhằm xóa đói giảm nghèo cho trẻ em sống tại các quốc gia đang phát triển) đầu tư xây dựng để làm khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em trên địa bàn. Dự án được đầu tư xây dựng từ năm 2007 đến năm 2008 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng. Dự án có diện tích khoảng 5.000 m2, khuôn viên đẹp, ở trung tâm xã, được xây dựng với kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng. Công trình được xây dựng khá khang trang với một nhà đa năng, khoảng sân rộng, có công trình nước sạch, nhà vệ sinh, tường bao và một số trò chơi như bập bênh, mâm xoay thú, cầu trượt...Công trình xây dựng nhằm tạo điều kiện cho trẻ em trên địa bàn xã có nơi vui chơi thoáng mát khi có thời gian rảnh rỗi khi chiều, hoặc tối.

Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào hoạt động, các trò chơi mua theo dự án dần bị hoen rỉ không hoạt động được hoặc mất mái che; bảng điện hư hỏng, công trình nước sạch cũng không phát huy tác dụng. Vì vậy, trái người với thời gian ban đầu còn có nhiều trẻ em đến chơi, thì đến nay khu vui chơi có kinh phí đầu tư hơn một tỷ đồng này gần như “đắp chiếu” vì thiếu đồ chơi cho các em. Trước đây, khi mới hoàn thành thì khu vui chơi này cũng được UBND xã dùng làm nơi tổ chức các chương trình giao lưu văn nghề, cắm trại đêm trung thu, đốt lửa trại hay tổ chức các trò chơi nhân ngày lễ lớn. Nhưng những năm gần đây, khu vui chơi này gần như không được tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ của xã nữa vì cách xa trụ sở UBND xã, đường đi lại khó khăn nên nhân dân cũng ngại. Vì vậy, việc các hoạt động văn hóa, văn nghệ thường được tổ chức tại nhà văn hóa các xóm hoặc khu dân cư để nhân dân thuận tiện đến xem. Trong khi đó, nhà đa năng có hội trường khá rộng thì cũng thường xuyên ở trong tình trạng kín cửa, hàng năm chỉ được sử dụng để hội nghị hoặc toà án huyện mượn để xử án lưu động. Theo lãnh đạo UBND xã, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do những bất cập trong việc đầu tư và quản lý; xây dựng xong không còn kinh phí để dành cho tu sửa, trong khi đó ngân sách xã lại hạn hẹp. Hiện nay, mỗi tháng xã phải trích ngân sách khoảng 300.000 đồng để thuê người trông coi, bảo vệ khu vui chơi.

Không phát huy hiệu quả, công trình đã và đang bị xuống cấp, lãng phí tiền của xây dựng nhưng ngay cạnh với khu vui chơi là chi chính của Trường mầm non xã Bắc Phong lại thiếu thốn cơ sở vật chất phục vụ cho việc nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là sân chơi cho trẻ. Cô giáo Bùi Thị Nhạn, Hiệu trưởng trường mầm non xã Bắc Phong cho biết, từ khi xã có kiến nghị lãnh đạo huyện để khu vui chơi này sáp nhập với trường mầm non, các thầy, cô giáo, phụ huynh học sinh rất vui vì các em sẽ có khoảng không gian ngoài trời rộng rãi để các em có thể vui chơi và học tập. Vì vậy, nhà trường mong các cấp lãnh đạo xem xét, giải quyết kịp thời kiến nghị đề xuất để công trình phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho nhân dân và trẻ em trong xã có địa điểm phát triển các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, vui chơi, giải trí xây dựng cuộc sống vui tươi, lành mạnh.

Qua tìm hiểu chúng tôi  được biết, xã Bắc Phong đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng giao khu vui chơi này cho Trường Mầm non xã Bắc Phong tu sửa, trông coi, quản lý nhằm sử dụng hiệu quả hơn. Đồng thời cũng để các thầy cô và các cháu trong trường có chỗ vui chơi và hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được  đồng ý. Vậy là khu vui chơi vẫn phải “đắp chiếu nằm chờ”.