DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Những kết quả tích cực từ công tác xóa đói, giảm nghèo

12/01/2017 00:00
Trong những năm qua, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước còn gặp nhiều khó khăn, song hệ thống chính sách về các lĩnh vực lao động, người có công xã hội vẫn được bổ sung và hoàn thiện. Diện thụ hưởng chính sách ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên từ chỗ chỉ hỗ trợ hộ nghèo đã có chính sách cho hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo.
Lao động vùng khó khăn được tham gia các lớp đào tạo nghề theo Đề án 1956

Giai đoạn 2011 – 2015, Ngân hàng CSXH cho 60.287 lượt hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, mở rộng ngành nghề với doanh số cho vay là 926 tỷ đồng; 14.616 lượt hộ cận nghèo vay vốn với doanh số cho vay là 312.500 triệu đồng; 12.518 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay, với doanh số cho vay 212.071 triệu đồng; 84 lao động vay đi xuất khẩu lao động với doanh số cho vay là 2.494 triệu đồng.

Trong công tác dạy nghề cho người nghèo và lao động nông thôn, giai đoạn 2006 – 2010 có 15 nghìn lượt hộ nghèo được hướng dẫn cách làm ăn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Tổ chức 138 lớp dạy nghề cho người nghèo với số lượng trên 4 nghìn học viên với các nghề như: may công nghiệp, điện xí nghiệp, nghề hàn, trồng nấm rơm, dệt thổ cẩm…Tổng kinh phí 5.435 triệu đồng sau thời gian học có trên 80% học viên tìm được việc làm bằng nghề đã theo học. Giai đoạn 2010 – 2015, tổ chức 856 lớp nghề theo các trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho 25.580 lao động theo Đề án 1956. Từ năm 2006 đến năm 2015 cấp trên 3 nghìn thẻ BHYT cho người nghèo, người dân tộc thiểu số và cận nghèo. Thực hiện hỗ trợ người nghèo về giáo dục, đã xét miễn giảm học phí, các khoản đóng góp và trợ cấp xã hội, học bổng cho gần 85 nghìn lượt người là con em thuộc hộ nghèo, con em vùng 135 đang học ở các trường trong và ngoài tỉnh. Thực hiện cấp bù học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP và Nghị định số 74/2013/NĐ-CP của Chính phủ cho 586.269 học sinh, sinh viên với kinh phí gần 250 tỷ đồng, cấp trên 70 tỷ để hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em, trợ cấp trên 3 tỷ đồng cho 551 học sinh, sinh viên hộ nghèo và dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn…Trợ giúp pháp lý cho trên 8 ngìn lượt người nghèo.

Từ năm 2011 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ cho 973 hộ nghèo làm nhà đại đoàn kết với kinh phí 14,268 tỷ đồng (trong đó có 15 nhà do các doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp) từ Quỹ ngày vì người nghèo. Liên đoàn lao độngt tỉnh đã thực hiện xây dựng và trao tặng 38 nhà “mái ấm công đoàn” trị giá 1,14 tỷ đồng cho công nhân lao động nghèo. Các cấp LHPN Việt Nam trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 143 nhà “Mái ấm tình thương” cho 143 phụ nữ nghèo với tổng số tiền là 3,6 tỷ đồng. Tháng 10/2013, Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) hỗ trợ 71 hộ nghèo xây nhà ở, mức hỗ trợ là 30 triệu đồng/nhà, tổng kinh phí 2,13 tỷ đồng. BCĐ Tây Bắc hỗ trợ tỉnh Hòa Bình 350 triệu đồng để giúp 12 hộ nghèo xây nhà ở, Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ 51 nhà trị giá 2,55 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức thực hiện tốt chương trình Mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở; đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, giúp người nghèo tiếp cận các chính sách giảm nghèo, phổ biến các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, gương thoát nghèo, cấp một số ấn phẩm báo chí không thu tiền. Đặc biệt, chương trình giảm nghèo còn có nhiều dự án phát triển sản xuất với tổng số vốn trên 91 tỷ đồng, hỗ trợ gia súc, đại gia súc, gia cầm, con giống thủy sản, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp, máy móc thiết bị, thực hiện 124 mô hình phát triển sản xuất, tổ chức 99 lớp tập huấn, thăm quan, học tập kinh nghiệm sản xuất. Tổng số hộ hưởng lợi là 62.646 hộ. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã giúp cho các hộ nghèo giảm bớt khó khăn trong đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp. Các mô hình mở ra hướng phát triển giúp các hộ nghèo giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập. Người dân được tham gia tập huấn, chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, nâng cao nhận thức, được tiếp cận KHKT trong trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều giống cây trồng, giống vật nuôi năng suất cao được đưa vào khảo nghiệm, sản xuất và được định hướng phát triển tập trung theo hướng hàng hóa gắn với thị trường; xu hướng phát triển chăn nuôi, thâm canh lúa, ngô và cây vụ đông đang từng bước thay thế tập quán canh tác lạc hậu của đồng bào. Với sự hỗ trợ của dự án, đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn.

Trong 5 năm, tỉnh ta đã xây dựng được 13 mô hình giảm nghèo. Hiệu quả đã góp phần tăng thu nhập của hộ nghèo lên 20%/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2-3% tại các xã có dự án. Thông qua việc triển khai đồng bộ các chương trình, dự án giảm nghèo tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,85%/năm vượt so mới mục tiêu đề ra là 3%/năm.