DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Những hội viên da cam vượt lên số phận

17/03/2015 00:00
Chiến tranh đã kết thúc hơn 30 năm nhưng những hậu quả của nó để lại đến giờ vẫn còn hiện hữu. Những vết thương do chất độc da cam/dioxin vẫn đang ảnh hưởng nặng nề tới sức khoẻ của rất nhiều người dân Việt Nam. Trên địa bàn huyện Lương Sơn hiện đang có 231 người bị nhiễm chất độc Da cam/Dioxin, họ vẫn đang hàng ngày, hàng giờ chống chọi với nỗi đau về tinh thần và thể xác. Tuy nhiên, trong số đó, nhiều người đã tự mình vượt lên số phận, trở thành công dân có ích cho xã hội bằng việc tích cực thi đua lao động sản xuất, xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng bằng bàn tay khối ốc của mình.

 Theo chân đoàn công tác của Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Lương Sơn,  đến thăm gia đình ông Bạch Thanh Bình – sinh năm 1954, một nạn nhân chất độc da cam hiện đang hưởng chế độ của Nhà nước tại xóm Đầm Rái - huyện Lương Sơn, chúng tôi thực sự cảm phục trước tinh thần vượt khó của ông bằng việc gây dựng mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi lợn đã gần 20 năm nay. Động lực để ông phấn đấu vươn lên chính là  tình yêu thương đối với người vợ tảo tần đã  luôn bên ông, chia sẻ những nỗi đau mà chiến tranh đã để lại, cùng ông nuôi dạy các con nên người. Tình yêu thương đối với vợ con, gia đình đã luôn thôi thúc ông phải làm gì, làm thế nào để cuộc sống gia đình vượt qua nghèo đói.

Tháng 12/1972, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường tham gia kháng chiến tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Ban đầu đơn vị ông đóng tại Tây Ninh thuộc Quân đoàn 4; sau đó, ông được chuyển công tác về Sư đoàn 317, rồi tham gia chiến dịch Tây Nam bảo vệ biên giới. Đến tháng 6/1981, ông được về phục viên. Chiến trường miền Đông Nam Bộ là địa điểm chịu nhiều ảnh hưởng của chất độc da cam/Diôxin do Đế quốc Mỹ rải xuống, nên trở về quê, ông  còn mang theo hậu quả nhiễm chất độc da cam mà không hay biết. Thấy sức khoẻ ngày càng yếu, lại có những biểu hiện bất thường; đi kiểm tra sức khoẻ thì mới biết. Ông lấy vợ, sinh được hai người con, một trong những người con của ông đã mất do di chứng của chất độc da cam, người con còn lại may mắn khoẻ mạnh. Không những vậy, cuộc sống lúc đó của 2 vợ chồng ông rất khó khăn. Ông bà thường xuyên phải đi làm thuê để nuôi sống gia đình.

Với tinh thần và ý chí quyết tâm vượt khó vươn lên, ông đã từng bước phát triển kinh tế gia đình.  Trên diện tích 4000m2 đất vườn, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ban đầu gia đình ông chỉ nuôi từ 4 -5 con lợn thịt và vài chục con gà, cộng với làm ruộng, trồng hoa màu. Đến  nay gia đình ông có 7 con lợn nái và gần 100 con lợn thịt, không chỉ thế gia đình ông còn là một trong những địa chỉ tin cậy về nuôi và bán lợn rừng lai, ông thường xuyên nuôi 3 con lợn rừng lai nái và khoảng 30 – 40 con lợn rừng lai thịt. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình ông. Ngoài ra ông còn nuôi thêm 200 con gà thịt mỗi lứa. Mỗi năm thu nhập từ chăn nuôi đã mang về cho gia đình ông thu nhập khoảng 130 triệu đồng. 

Không chỉ vươn lên phát triển kinh tế, ông Bình còn tích cực tham gia công tác hội. Gia đình ông liên tục đạt danh hiệu gia đình văn hoá; bản thân ông luôn nỗ  lực phấn đấu vươn lên, không chông chờ, ỷ lại vào các chế độ của Nhà Nước.  Ông xứng đáng là tấm gương vượt khó không chỉ cho những người chịu ảnh hưởng của chất độc Da cam/Dioxin  mà còn cho tất cả mọi người.

Hội viên da cam/Dioxin Hoàng Văn Thiếp – ở xóm Mỏ - thị trấn Lương Sơn cũng là người luôn biết vươn lên, vượt qua khó khăn để xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Ông Hoàng Văn Thiếp  có thời gian khá dài là bộ đội ở chiến trường Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ, ông hiện là đối tượng bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin tới 70% sức khoẻ. Để phát triển kinh tế gia đình, những năm trước ông  nuôi gà thịt và gà đẻ trứng với số lượng lên đến vài trăm con. Mỗi năm cũng mang về cho gia đình ông thu nhập khoảng  trên 100 triệu đồng/năm. Với nguồn thu nhập này, ông đã không chỉ lo cho gia đình có cuộc sống no đủ,   cho các con ăn học nên người mà còn có khoản tích góp để an dưỡng tuổi già. Hiện nay, do tuổi cao, sức đã không còn như trước nên ông quyết định lựa chọn hướng phát triển kinh tế mới, phù hợp với gia đình đó là mô hình trồng bưởi diễn.  Năm 2007, ông đi thăm quan một số mô hình trồng bưởi diễn tại huyện Chương Mỹ - TP Hà Nội, thấy mô hình phù hợp với điều kiện của gia đình, ông đã mua 200 gốc bưởi về trồng ở vườn nhà.

Sau 6 năm đầu tư chăm sóc, vườn bưởi của gia đình ông đã cho hiệu quả kinh tế cao.

Đây là hai trong rất nhiều tấm gương hội viên da cam/Dioxin của huyện Lương Sơn biết vượt lên số phận để sống, lao động và làm giàu chính đáng bằng bàn tay, khối óc của mình. Họ là những người lính Cụ Hồ anh dũng trên chiến trường trong thời chiến và nay trở về quê hương, họ vẫn tiếp tục là những người hùng trên trận tuyến xoá đói giảm nghèo,  góp phần xây dựng cuộc sống ấm no cho mỗi gia đình./.