Tính đến ngày 15/6/2022, toàn tỉnh có 4.266 mô hình Dân vận khéo, tăng 34 mô hình so với năm 2021. Trong đó có 347 mô hình thuộc lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, 1.277 mô hình thuộc lĩnh vực kinh tế, 1.594 mô hình thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội, 1.048 mô hình thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả và được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Đối với lĩnh vực kinh tế, các cấp ủy, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng các điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng. Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương. Các phòng trào thi đua lao động sản xuất đã được các cấp, các ngành quan tâm và triển khai với nhiều nội dung, cách thức sáng tạo, hiệu quả, thu hút được sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân. Tiêu biểu như Phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của Hội Nông dân đã vận động được hơn 65.000 hộ đăng ký tham gia; Hội Cựu chiến binh các cấp đã tổ chức mô hình phát triển kinh tế, toàn tỉnh có 11 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 2.357 trang trại, gia trại do hội viên Cựu Chiến binh làm chủ đã thu hút 14.152 lao động có thu nhập ổn định từ 3,5 đến 4,5 triệu đồng/lao động/ tháng. Bên cạnh đó, nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại tổng hợp, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế.
Các mô hình Dân vận khéo trong lĩnh vực văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh đã huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia. Các đảng bộ, chi bộ cơ sở đã biết lựa chọn mô hình thiết thực, biết “chọn điểm, chọn nội dung, chọn việc, chọn khâu, chọn phương pháp”, biết “dựa vào dân, phát huy dân chủ, huy động sức dân” để chỉ đạo xây dựng mô hình đạt hiệu quả cao, như mô hình: “Góp vốn xoay vòng làm nhà tiêu hợp vệ sinh” của Hội Liên hiệp phụ nữ, “Vận động hội viên, đoàn viên tiết kiệm mua bảo hiểm y tế” của các đoàn thể; “Đường Cờ” của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Lạc; “Công trình 100đ thắp sáng niềm tin” của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đà Bắc và các mô hình điểm thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi”. Qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị, khu dân cư văn hóa, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh.
Phong trào thi đua Dân vận khéo trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Đặc biệt phong trào có sự kết hợp giữa vận động tập trung với vận động cá biệt, tranh thủ sự ủng hộ của người có uy tín trong dòng họ, khu dân cư. Việc nhân rộng các mô hình, hình thức tự quản về an ninh trật tự theo hướng xã hội hóa vừa góp phần tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh tại địa phương ở khu dân cư. Hiện nay, tỉnh đang nhân rộng mô hình “Camera giám sát tình hình an ninh trật” tới các xã, phường, thị trấn, đồng thời động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phối hợp trích xuất hình ảnh camera khi cần thiết. Huyện Mai Châu đã huy động trên 5.922 ngày công để xây dựng công trình phòng thủ huyện và làm mới và tu sửa 27,5 km đường giao thông nông thôn, bê tông hóa 1,5km đường giao thông nông thôn, tổng trị giá trên 4,5 tỷ đồng.
Xác định công tác xây dựng hệ thống chính trị là nhiệm vụ quan trọng và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, do đó phong trào thi đua Dân vận khéo trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị được các các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, thực hiện, đem lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, làm tốt công tác tuyên truyền, nhằm vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Có thể kể đến mô hình giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân: Tính đến ngày 23/6/2022 hồ sơ tiếp nhận qua Trung tâm dịch vụ hành chính công tỉnh đã thực đã xử lý 164.529 hồ sơ, xử lý đúng hạn 163.980 hồ sơ đạt 99,67%; mô hình “Hòm thư góp ý 217, 218” của thành phố Hòa Bình được đặt tại 58 nhà văn hóa các xóm, tổ dân phố; mô hình “Tạo nguồn cán bộ cơ sở và phát triển đảng trong thanh niên” của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, đã vận động 1.500 thanh niên lên đường nhập ngũ đạt 100% chỉ tiêu, trong đó 90 thanh niên là đảng viên, 364 thanh niên đã qua lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng.
phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được triển khai nghiêm túc, sâu rộng, thực sự đi vào đời sống xã hội, trở thành phong trào chung của cả hệ thống chính trị và được các tầng lớp Nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Phong trào thi đua đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới./.