Năm 2023, nguồn lực thực hiện Chương trình chuyên đề là 27.480 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương là 26.520 triệu đồng; ngân sách địa phương và các nguồn ngân sách khác 960 triệu đồng. Từ nguồn vốn trên, Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh đã phân bổ thực hiện các nhiệm vụ: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số; bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Các địa phương trong tỉnh đã tập trung thực hiện có Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Chú trọng vào nhóm sản phẩm đặc thù, thế mạnh của tỉnh được các khách hàng trong nước và quốc tế tin dùng như: Cam Cao phong, Bưởi đỏ Tân Lạc, Cá sông Đà, sản phẩm chế biến từ măng nứa, măng bát độ...; nhóm dược liệu như cao cà gai leo, cao xạ đen... du lịch cộng đồng, thổ cẩm dân tộc. Công tác Quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kết nối cung cầu – tiêu thụ sản phẩm OCOP được đẩy mạnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đoàn công tác đi kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Hòa Bình đến các tỉnh: Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận nhằm hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm giá trị gia tăng, được tiêu thụ tại hệ thống phân phối hiện đại, chợ đầu mối của các tỉnh bạn; hỗ trợ đưa sản phẩm vào các hệ thống sàn thương mại điện tử như, Sendo.vn, Lazada.vn, Shopee.vn. Tính đến 23/11/2023, tỉnh có 131 sản phẩm OCOP và 06 sản phẩm tiềm năng được các khách hàng trong nước và quốc tế tin dùng. Cơ quan chức năng đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản giữa Công ty Cổ phần nông nghiệp hữu cơ FUSA với Công ty Trách nhiệm hữu hạn và Đầu tư thương mại Tiến Ngân và Hợp tác xã dịch vụ nông, lâm nghiệp Tùng Dương xuất khẩu trên 200 tấn mía cấp đông sang thị trường EU. Đồng thời, ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm bưởi đỏ Hòa Bình Tân Lạc 5.580 quả; bưởi diễn huyện Yên Thủy 13 tấn; nhãn Sơn Thủy là 30 tấn sang thị trường EU, Trung Quốc. Sản phẩm cá Rô Phi của tập đoàn MaVin dự kiến sẽ xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các nước Châu Âu. Ngoài ra một số sản phẩm của Công ty TNHH TM&DV Cường Thịnh như Phi lê cá Lăng; Phi lê cá rô phi cũng đã đủ điều kiện xuất khẩu.
Chương trình phát triển du lịch nông thôn được quan tâm thực hiện. Tỉnh đang xây dựng thí điểm 01 mô hình du lịch cộng đồng xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc. Hiện nay, Ủy ban nhân dân huyện đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng đề cương Dự án xin ý kiến các Sở, ngành và các đơn vị có liên quan thẩm định để tiến hành xây dựng, phê duyệt Dự án đảm bảo đúng cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh quy định làm cơ sở triển khai thực hiện giai đoạn 2023-2025. Đến nay toàn tỉnh có 5 sản phẩm dịch vụ du lịch và bán hàng đạt sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, thuộc nhóm cao nhất cả nước.
Hướng tới nông thôn mới thông minh, tỉnh tập trung triển khai Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Từ đầu năm 2023, tỉnh đã triển khai thực hiện các dịch vụ công, ứng dung công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới, như: Cung cấp dịch vụ y tế, sổ khám chữa bệnh điện tử; phần mềm cơ sở dữ liệu; lắp đặt wifi miễn phí, internet cộng đồng, camera an ninh… Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để phát triển nông nghiệp thông minh, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực được người dân đầu tư hình thành các chuỗi liên kết sản xuất tăng nhanh về quy mô, chất lượng cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững. Tháng 5/2023, Mô hình xã nông thôn mới thông minh tại xã Yên Trị đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt nằm trong danh mục mô hình thí điểm do Trung ương chỉ đạo thực hiện. Đến nay xã đang trong quá trình triển khai thực hiện, dự kiến đến tháng 12/2023 sẽ trình thảm định phê duyệt đề xuất mô hình.
Ngoài ra, chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn đạt được kết quả quan trọng. Nhiều vùng nông thôn trong tỉnh đã duy trì và phát triển hệ thống cấp nước sạch, cải tạo cảnh quan và phát đầu tư hệ thống thoát nước thải, hệ thống rãnh thu gom nước thải...
Tuy nhiên hiện nay, nhiều mô hình, đề án thí điểm là mô hình mới, chưa có hướng dẫn cụ thể của các Bộ, ban, ngành liên quan, do đó gây khó khăn trong quá trình triển khai. Mặt khác, quy mô sản xuất, năng lực của các hợp tác xã chưa khả năng đối ứng vào phần ngân sách Nhà nước hỗ trợ.
Do đó, trong năm 2024, Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách. Thực hiện hiệu quả nội dung vệ sinh môi trường nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo ra môi trường sống ở nông thôn an toàn và bền vững. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh trong việc triển khai thực hiện các Chương trình chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục huy động các nguồn lực cho việc triển khai thực hiện các Chương trình chuyên đề; các địa phương chủ động cân đối dành nguồn lực từ ngân sách địa phương hỗ trợ cho Chương trình chuyên đề và lồng ghép thực hiện với nguồn vốn của các chương trình khác để hoàn thành kế hoạch đề ra./.