Sau một thời gian “loay hoay”, cả xóm Bống, xã Bắc Phong vẫn không tìm được đất để làm nhà văn hóa. Chỗ đất đẹp trung tâm xóm thì thuộc nhà dân. Chỗ đất xấu thì xa trung tâm xóm. Tiền xây thì có mà vẫn không thể lấy đất ở đâu xây nhà văn hóa. Trước tình thế đó, anh Bùi Văn Thường về bàn với vợ: Đất nhà mình thì rộng lại ở trung tâm xóm. Ăn thì nhiều mà ở thì mấy. Trong xóm đất không có để làm nhà văn hóa gia đình mình hiến đất tạo điều kiện cho xóm làm nhà văn hóa vừa gần nhà mình, vừa giúp được xóm. Sau này việc hội họp xóm gần nhà mình cũng vui. Bàn bạc xong hai vợ chồng anh Thường quyết định hiến gần 300 m2 cho xóm. Ngoài diện đất đó, anh còn tự nguyện chặt đi 140 cây keo đang độ trưởng thành. Sau vài tháng thi công, đến nay nhà văn hóa đã được hoàn thiện với tổng kinh phí 38 triệu đồng. Trong đó huyện hỗ trợ 12 triệu đồng, còn lại là nhân dân đóng góp tiền và ngày công lao động. Anh Thường cho biết: Xóm chỉ có 22 hộ dân nhưng địa hình trong xóm nhiều đồi dốc. Nhân dân đóng góp thì có hạn không thể lấy tiền đó để mua đất làm nhà văn hóa được. Do vậy gia đình tôi đã tự nguyện hiến đất cho xóm.
Nhiều năm nay, xóm Dệ 1, xã Bắc Phong không có nhà văn hóa nên mỗi khi họp xóm hoặc sinh hoạt văn hóa đều phải nhờ nhà dân. Khi có chủ trương làm nhà văn hóa, ngoài tiền được hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân đóng góp thêm. Nhưng số tiền này chỉ để xây dựng chứ không thể mua đất để làm nhà văn hóa. Trước những khó khăn này của xóm, bố con anh Bùi Văn Thiết bàn bạc nhau và quyết định hiến 500 m2 đất thổ cư cho xóm để làm nhà văn hóa. Theo đơn giá Nhà nước thì diện tích này trị giá khoảng 50 triệu đồng. Nhưng với giá thị trường thì mảnh đất này còn giá trị hơn nhiều. Ông Triệu Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Bắc Phong cho biết: Cách đây 2 năm, ngoài nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ thì các xóm cũng đã vận động nhân dân đóng góp xây nhà văn hóa. Nguồn kinh phí xây nhà thì có mà đất làm nhà văn hóa thì rất khó khăn. Trước những khó khăn như vậy, UBND xã cùng với xóm vận động nhân dân, nhất là đảng viên gương mẫu hiến đất làm nhà văn hóa. Sau khi vận động các hộ tự nguyện hiến và coi đây cũng là trách nhiệm của gia đình mình vì cộng đồng.
Đến thời điểm cuối năm 2009, con đường liên xã Bắc Phong - Thung Nai đã hoàn thành xong giai đoạn 1. Đoạn đường dài 5km đi qua xã Bắc Phong đã được rải nhựa. Tuy nhiên, đến nay hơn 250 hộ của xóm vẫn chưa nhận được tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch thì đến tháng 6/2010 mới có vốn để đền bù. Ông Lê Xuân Hà, Phó trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Cao Phong cho biết: Phòng Tài nguyên và môi trường, Ban giải phóng mặt bằng huyện phối hợp với Đảng ủy chính quyền xã vận động nhân dân giao mặt bằng để tạo điều kiện cho đơn vị thi công đúng tiến độ. Qua vận động người dân trong xã nhận thức rõ mỗi người, mỗi nhà hi sinh một chút quyền lợi của mình thì con đường sẽ được sớm hoàn thành. Có đường mới thì mình cũng được hưởng. Tuyến đường Bắc Phong- Thung Nai dài 11 km với diện tích đền bù trên 20 ha. Tổng kinh phí đền bù trên 3 tỷ đồng. Anh Ngô Văn Thực là người chỉ đạo thi công công trình của liên doanh Tổng công ty Thành An và cCông ty dịch vụ Sông Đà cho biết: Tuyến đường dài 11 km. Đoạn qua xã Bắc Phong 5km và hiện tại chúng tôi đã rải nhựa xong. Tiến độ làm trước kế hoạch khoảng 1 tháng. Tuy chưa có tiền đền bù mặt bằng nhưng đơn vị thi công đến đâu người dân tạo điều kiện giải phóng mặt bằng đến đấy. Nhiều hộ gia đình tự tháo dỡ công trình của mình mà không cần đến đơn vị giải phóng mặt bằng.