DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Người dân Lương Sơn tiếp cận sản xuất nông nghiệp sạch

17/05/2010 00:00

Không bất ngờ khi cả ông Nguyễn Trường Phong, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; ông Đỗ Viết Liêm, Chủ tịch HND huyện Lương Sơn và cả chục nhóm tham gia thực hiện mô hình sản xuất Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) trên địa bàn huyện Lương Sơn đều khẳng định việc sản xuất Nông nghiệp sạch là một hướng đi bền vững và đem lại nhiều lợi ích.

Sản phẩm NNHC do người nông dân Lương Sơn sản xuất đã bước đầu xâm nhập vào thị trường Hà Nội

 

Quả là không ngoa khi nói mô hình sản xuất NNHC của các nhóm hộ nông dân xóm Mỏ, thị trấn Lương Sơn là một mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bởi theo như ông Hoàng Văn A, nhóm trưởng nhóm sản xuất NNHC xóm Mỏ thị trấn Lương Sơn thì: Qua một quá trình tham gia thực hiện mô hình sản xuất NNHC đã có sự so sánh với cách sản xuất nông nghiệp thuần tuý trước đây thì thấy hiệu quả kinh tế của mô hình có sự bứt phá hơn so với cách làm thông thường. “Đầu tư vào đây một đồng vốn sẽ thu về bốn đồng lời”. Nếu như với cách làm thông thường thì mất khoảng 30% số tiền đầu tư vào mua sắm vật tư nông nghiệp và thuốc bảo vệ thực vật. Còn đối với sản xuất NNHC thì chỉ mất nhiều công chăm sóc hơn và chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học có thể tự mình là ra được bằng các loại nguyên vật liệu có sẵn ở xung quanh nhà. Tuy vậy, so về giá trị sản phẩm thì sản phẩm NNHC lại cao hơn 30% so với sản phẩm sản xuất theo hướng nông nghiệp thuần tuý. Thế nên tính ra so sánh thu nhập từ 2 hướng sản xuất này thì ưu thế nghiêng hẳn về phía sản xuất NNHC.
Cùng chung quan điểm và đánh giá đó, chị Hoàng Thị Oanh, nhóm trưởng nhóm sản xuất NNHC Đồng Tâm, thuộc xóm Đầm Đa II, xã Hợp Hoà cho biết: Chúng tôi tham gia triển khai thực hiện mô hình sản xuất NNHC bắt đầu từ tháng 3/2009 nhưng thực tế bắt đầu đi vào trồng là từ tháng 9/2009. Sau một thời gian triển khai thực hiện, nhận thấy đây là một mô hình đem lại hiệu quả cao, mang tính chất bền vững và ổn định. Sản phẩm rau, đậu các loại làm ra đảm bảo đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng rau sạch. Do vậy đã tạo được chỗ đứng và có uy tín. Sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó. Một phần được đưa ra tiêu thụ tại cửa hàng sản phẩm NNHC ở chợ Lương Sơn và sản phẩm cũng được  tiêu thụ ngay tại chỗ trên địa bàn khu dân cư thôn xóm và một phần sản phẩm đã được đưa vào các siêu thị tại Hà Nội.
Chị Hoàng Thị Tư, một thành viên của nhóm Đồng Tâm cho biết: Nhóm có 10 thành viên, được HND huyện Lương Sơn, Đảng uỷ, UBND xã tạo điều kiện giúp đỡ về tập huấn và nhất là tạo điều kiện cho mượn 3600m2 đất canh tác. Hiện nay trên diện tích này mỗi chị em được chia 360m2 để canh tác. Trên diện tích đó, chị em chúng tôi đã trồng thử nghiệm 23 loại rau, đậu các loại. Qua thực tế sản xuất nhận thấy đây là một mô hình phù hợp. Tính ra sau 3 tháng canh tác trên diện tích được chia vào khoảng 360m đã thu được khoảng 4 triệu đồng.Ông Đỗ Viết Liêm, Chủ tịch HND huyện Lương Sơn nhấn mạnh: Hiện nay mô hình sản xuất NNHC triển khai trên địa bàn huyện đã bắt đầu đi vào sự ổn định. Sản phẩm tương đối đa dạng đã thâm nhập và có mặt tại thị trường Hà Nội. Sản phẩm sản xuất theo hướng NNHC được người tiêu dùng ưa chuộng và bán được với giá cao hơp so với sản phẩm thông thường từ 20 - 30%. Điều đó đã làm cho người dân có thu nhập khá và ổn định. Tính ra giá trị sản xuất NNHC tính trên một đơn vị diện tích đã đạt mức 140 đến 180 triệu đồng/ha.
Mô hình sản xuất NNCH không phải là mô hình mới, xa lạ so với nhiều địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh nói chung và người nông dân huyện Lương Sơn nói riêng. Mô hình này được triển khai thực hiện ở 6 xã, thị trấn của huyện Lương Sơn với sự tham gia của 12 nhóm. Mô hình này được triển khai với sự trợ giúp của tổ chức ADDA (Đan Mạch) phối hợp với Trường Nông nghiệp Bắc bộ Xuân Mai cùng HND huyện Lương Sơn phối hợp triển khai mô hình. Trong quá trình triển khai các nhóm tham gia sẽ được tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm. Đặc biệt, trong quá trình làm đều có giản viên trực tiếp phụ trách, theo dõi, giám sát. Theo ông Đỗ Viết Liêm, Chủ tịch HND huyện Lương Sơn thì: Cho đến bây giờ sau khi đi được một chặng đường khá dài nhưng vẫn còn đó khó khăn nhất định. Trong đó, cái rào cản lớn nhất vẫn là ở chỗ nhận thức của bà con nông dân về sản xuất nông nghiệp sạch vẫn còn hạn chế. Do vậy, trên thực tế chúng tôi muốn mở rộng nhưng cũng phải làm dần dần. Như ở nhóm sản xuất NNHC Đồng Tâm này cũng vậy. Trước đây khi mới triển khai chúng tôi cũng đã phải vận động để chị em tham gia. Đến bây giờ nhóm Đồng Tâm này là nhóm hoạt động tích cực nhất, có nhiều sản phẩm NNHC nhất. Sản phẩm họ làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó.
Tuy vậy, Hội Nông dân huyện xác định đây là một hướng đi cần phải được nhân rộng. Bởi so sánh giữa sản xuất nông nghiệp thường và sản xuất NNHC thì sản xuất NNHC có tính ưu việt hơn. Như làm tăng độ phì của đất do không dùng hoá chất độc hại; bảo vệ môi trường; sản pẩm làm ra rất an toàn cho sức khoẻ người sử dụng. Và một lý do nữa là người nông dân sẽ có thu nhập tương đối cao đối với các sản phẩm NNHC./.