DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Nghị lực vươn lên của đôi vợ chồng khiếm thị

21/12/2012 00:00

Năm 2011, chàng trai trẻ Nguyễn Bá Trường cùng vợ là Nguyễn Thị Hằng quê ở xã Hợp Thịnh huyện Kỳ Sơn lên Hoà Bình mưu sinh.. Điều đáng nói hơn cả là anh và chị đều là người khiếm thị. Nhưng, bằng chính nghị lực của mình họ đã vượt qua khó khăn xây dựng gia đình hạnh phúc.

 Ở TPHB, nhắc đến cơ sở tẩm quất Trường Thọ, ai cũng thán phục bởi nghị lực vượt khó của đôi vợ chồng khiếm thị Nguyễn Bá Trường và Nguyễn Thị Hằng. Từ hai bàn tay trắng với bao khó khăn chồng chất của cuộc sống. Trường và Hằng đã tựa vào nhau để cùng xây dựng một gia đình hạnh phúc và tạo được công ăn việc làm cho 4 nhân viên có chung cảnh ngộ. Gặp nhau tại chỗ làm ở cơ sở dịch vụ khiếm thị Chân Phương thuộc Quận Ba Đình - TP Hà Nội. Ban đầu tình cảm của hai người chỉ là tình bạn bè, là sự đồng cảm của những người cùng cảnh ngộ. Nhưng chính sự đồng cảm ấy đã nảy nở giữ họ một tình yêu đôi lứa. Đầu năm 2011, hai người tổ chức đám cưới trước sự vui mừng của anh em bạn bè,  nhưng cũng không ít người ái ngại cho hoàn cảnh của đôi vợ chồng trẻ khiếm thị.

Tháng 4 năm 2011, từ sự giúp đỡ của gia đình bạn bè và cộng đồng, anh Trường đã bàn với vợ mạnh dạn mở cơ sở tẩm quất của người mù mang tên Trường Thọ ở Phường Đồng Tiến-TPHB. Lúc đó, ai cũng nghĩ đó là một việc làm liều lĩnh và sẽ sớm thất bại, bởi anh có quá ít vốn, cơ sở vật chất nghèo nàn và việc mở dịch vụ của người khiếm thị còn là điều mới mẻ, khó được khách hàng đón nhận... Nhưng chàng trai khiếm thị ấy vẫn quyết tâm một mình làm cho bằng được. Và rồi, Cơ sở tẩm quất Trường Thọ đã đứng vững, ngày càng mở mang, đã tạo việc làm ổn định cho 4 lao động có chung hoàn cảnh khiếm thị như anh. Cũng là một người khuyết tật và đã trải qua những năm tháng đầy khó khăn, anh Trường thấu hiểu hơn ai hết tâm tư của những người mà số phận đã không cho họ may mắn được lành lặn. Bởi vậy, dường như Trường đã gắn cho mình cái trách nhiệm phải sống thật tốt và giúp đỡ những người có hoàn cảnh như mình, bằng cách tạo cho họ phương tiện để kiếm sống.    

Bận rộn với công việc mưu sinh, Nguyễn Bá Trường tất bật từ sáng đến tối. Thế nhưng khi kể về cuộc đời mình, Trường vẫn giữ được sự tự tin và bản lĩnh vững vàng của một người khiếm thị đã vượt qua muôn vàn khó khăn để chứng minh: Có nghị lực, có khát vọng, có niềm tin, thì việc gì dù khó mấy cũng thành công.

Cùng đồng hành với vợ chồng Khiếm thị này là những người có đồng cảnh ngộ. Họ cùng tương trợ để giúp nhau vượt lên số phận. Ở trong môi trường này, mọi người đều bảo ban nhau để làm việc tốt hơn. Đây dường như là ngôi nhà, là tổ ấm của những mảnh đời khuyết tật. Hiện cơ sở Trường Thọ có 4 lao động, thu nhập của mỗi người khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng. Để thu hút và giữ được khách, vợ chồng anh Trường đã đưa ra tiêu chí chất lượng lên hàng đầu. Đội ngũ người làm luôn phục vụ khách hàng tận tình.

Cùng với sự hỗ trợ từ cộng đồng, sự động viên kịp thời sẽ là điều kiện gạt bỏ rào cản, để người khuyết tật khẳng định bản thân. Thực tế cũng cho thấy: khi các rào cản đối với sự hòa nhập của người khuyết tật mà được loại bỏ thì người khuyết tật mới có quyền tham gia đầy đủ vào đời sống xã hội, vào toàn bộ mọi lợi ích cộng đồng của mình. Khả năng tiếp cận và hòa nhập của người khuyết tật cũng là các quyền cơ bản của người khuyết tật đã được Công ước Quốc tế về Quyền của Người khuyết tật công nhận và không chỉ là những mục tiêu duy nhất, mà còn là những điều kiện tiên quyết để được hưởng những quyền lợi khác.

Vượt lên chính mình, vượt lên số phận, hạnh phúc  của hai vợ chồng Trường Hằng là vì đã chinh phục được bản thân và truyền cho những người cùng cảnh ngộ thêm hy vọng và niềm tin trước cuộc sống.Và niềm hạnh phúc lớn hơn khi vợ chồng Trường có cậu con trai khỏe mạnh và kháu khỉnh. Đây chính là động lực để đôi vợ chồng trẻ tiếp tục làm thêm nhiều việc nữa. Trước mắt là tập trung đầu tư mở rộng cơ sở,  tạo thêm việc làm cho người khuyết tật. Hai vợ chồng anh chị đều tận tâm làm việc, quên hết mệt mỏi hằng ngày bằng tiếng đàn, tiếng sáo và bằng chính những nụ cười.