Vẻ đẹp trong nghề dệt được thể hiện muôn màu, muôn vẻ trong chính các động tác, các thao tác, trong dụng cụ làm nghề, trên thành phẩm... Đó là vẻ đẹp sáng tạo, vẻ đẹp nhãn quan thẩm mỹ của người dân lao động Thái Mường Mùn (tức huyện Mai Châu ngày nay).
Các dụng cụ được bàn tay khéo léo của đàn ông Thái làm ra, không những tiện ích mà còn đạt thẩm mỹ về tạo dáng. Từ bàn tuốt hạt bông đến khung dệt có biết bao tên gọi dụng cụ, cùng hàng trăm chi tiết bộ phận phục vụ cho từng công đoạn, là một giàn "máy móc" bằng gỗ, bằng tre, vừa tinh vi, chính xác, vừa đơn giản, gọn gàng. Tất cả đều được gọt tỉa, tạo dáng đậm tính thẩm mỹ nghệ thuật dân gian.
Trên mặt vải thổ cẩm, nghệ thuật dân gian càng được phơi bày rõ nét. Có những tấm thổ cẩm như một bức tranh đủ các hình họa, trang trí và bố cục, màu sắc rực rỡ mà không gắt mắt. Nhìn vào mặt vải thổ cẩm, ta thấy lung linh trí tuệ dân gian, thấy sự bay bổng lãng mạn của tâm hồn người phụ nữ Thái Mường Mùn.
Có thể nói, các hoạ tiết hoa văn Thái rất phong phú về hình hoạ. Tuỳ loại sản phẩm khác nhau mà các đồ án hoa văn trang trí trên đó có hoạ tiết khác nhau. Hoạ tiết hoa văn thổ cẩm thường lấy đề tài từ tự nhiên. Nội dung gồm cả thế giới động vật, thực vật và những đồ dùng quen thuộc hàng ngày. Người phụ nữ Thái Mai Châu đã giản lược các chi tiết phụ, chỉ thể hiện cái cốt cách thật nhất của đối tượng được phản ánh, đó chính là sự sơ đồ hoá hình tượng thành hình học cụ thể. Đó là những dạng hoa nhiều cánh, những đường gấp khúc ngoằn ngoèo, những ô vuông, ô trám đồng tâm, những hình họa động vật ở nhiều trạng thái khác nhau tạo nên sự sinh động cho tấm vải thổ cẩm.
Nghề dệt cùng những sản phẩm của nó tồn tại trong lịch sử người Thái Mai Châu, không những đáp ứng nhu cầu mặc, mà còn tạo nên vẻ đẹp cho con người và cuộc sống.