Hòa Bình Nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc có nền "Văn hoá Hoà Bình" nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ, là vùng sử thi huyền thoại “Đẻ đất đẻ nước”, là miền đất âm vang tiếng cồng, tiếng chiêng, vùng của những lễ hội giầu bản sắc dân tộc Tây Bắc, của kho tàng phong phú về văn nghệ dân gian các dân tộc: Mường, Dao Thái, Mông.Tiếng cồng chiêng vang vọng vào vách núi, tiếng hò reo í ới của các trò chơi dân gian xen lẫn tiếng hát dân ca Mường làm sôi động cả vùng Tây Bắc... Trong không khí vui tươi và đầm ấm của mùa xuân, chúng ta cùng trải nghiệm những nét đặc trưng trong văn hóa, phong tục Tết của đồng bào dân tộc vùng cao hòa bình.
Tết của dân tộc Mông – Hòa Bình
Dân tộc Mông sinh sống tập trung ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Người Mông đón Tết trước Tết Nguyên đán của người Kinh 1 tháng (tức 1/12 âm lịch) và kéo dài trong nhiều ngày với nhiều sinh hoạt cộng đồng đặc sắc.
Để chuẩn bị cho một năm mới ấm no, sung túc, thay vì làm bánh chưng như người Kinh, người Mông thường làm bánh dầy chay với quan niệm: chiếc bánh dầy tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên trái đất. Người Mông không đón Giao thừa. Đối với họ, tiếng gà gáy đầu tiên vào sáng sớm mùng Một Tết mới là mốc đánh dấu một năm mới bắt đầu. Đêm 30, người Mông cúng tổ tiên một con lợn sống, một con gà trống sống rồi mang lợn và gà giết thịt để cúng một mâm thịt chín. Sau đó, họ ăn cơm, uống rượu cho đến khi nghe thấy tiếng gà gáy đầu tiên. Trong dịp Tết, bên cạnh các nghi lễ tín ngưỡng còn có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như: chơi cù, ném pao, bắn nỏ, đua ngựa, múa khèn, chọi chim...
Tết Buông của người Dao Đà Bắc
Theo quy định của người Dao ở Hòa Bình, gia đình nào để người của mình vi phạm những điều cấm kỵ như cờ bạc, ma túy, trộm cắp, đánh nhau… thì làng sẽ họp kiểm điểm, tùy theo nặng nhẹ mà nộp phạt và dứt khoát phải ghi vào “Sổ Làng”. Người có lỗi phải quỳ xin làng tha thứ và xin được ở lại làng, trong cộng đồng người Dao để sửa chữa khuyết điểm. Khi năm cũ sắp hết, năm mới sắp đến, các gia đình có vấn đề trong năm mà phải ghi trong “Sổ Làng” sẽ căn cứ kết quả sửa chữa của mình, nếu thấy thực sự tiến bộ thì đăng ký với Sơn Làng (Trưởng làng) để làng nhận xét, công nhận tiến bộ và xóa “án tích”. Công việc trên, từ xa xưa người Dao gọi là Tết Buông.
Tết Buông thường được tổ chức từ ngày 29 đến mồng 2 Tết, Tết Buông cũng là một trong nhiều biện pháp tốt để người Dao giữ gìn bản làng bình yên.
Tết của người Mường Hòa bình
Hằng năm, vào ngày 26 tháng 10 âm lịch, tại xã Lạc Thịnh, Yên Thủy lại diễn ra một cái Tết của riêng mình. Cái Tết ấy được gọi là Tết Đe hay Tết Cơm Đe. Trước Tết Đe nhiều ngày, người Mường ở đây đã dọn nhà cửa, ban thờ, rửa mâm bát… Đường làng được vệ sinh sạch sẽ. Không khí xóm bản thật là rộn rã.
Vào Tết, cỗ được chuẩn bị từ đêm 25, khi thời khắc chuyển sang ngày 26 là bắt đầu cúng cho đến khoảng 8 hoặc 9h. Trong mâm cúng bao giờ cũng có đồ luộc là vài quả đu đủ xanh, vài quả bí nhỏ, vài con măng, vừng rang giã vội (không trộn muối) và đặc biệt là cơm Đe. Cơm Đe đó chính là cơm từ gạo nếp giã không kỹ ủ với men làm từ lá rừng (như ủ rượu nếp ở miền xuôi). Đây là thành phần quan trọng trong Tết Đe nên người ta thường gọi là Tết Cơm Đe hay Tết Đe. “Tết Đe khuyết lộ”, có nghĩa là ngày Tết Đe người đi lại đông đến lở cả đường. Trong Tết Đe, người ta cúng cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng và vạn vật tốt tươi, con người mạnh khỏe. Nếu Tết Cơm Đe và Tết Buông là những cái Tết cổ truyền thì Tết Đền vùng Mường Vó lại là một cái Tết mới ra đời từ đầu những năm 60 của thế kỷ Hai mươi.
Hầu hết người miền núi Hòa Bình một năm có hai cái tết lớn là Tết Nguyên đán và Tết Độc lập mồng 2-9. Trong khi đó, riêng vùng Mường Vó lại ăn Tết to mừng ngày cách mạng Tháng Tám thành công vào đúng ngày 19-8.
Công việc đầu tiên, không thể thiếu được trong ngày tết là chuẩn bị gạo nếp ngon để đồ xôi và nghiền bột làm bánh uôi, phân công người đi hái lá đền (lá cây bương) dùng để gói bánh. Chỉ duy nhất trong Tết 19 tháng Tám bánh uôi mới được gói bằng lá đền. Qua tìm hiểu gói bằng lá “đền” có ý nghĩa là đền ơn, ghi nhớ công ơn của Tổ tiên, công ơn Cách mạng !