DetailController

Kinh tế

Ngành ngân hàng chủ động, linh hoạt các giải pháp phục hồi tăng trưởng kinh tế

10/03/2022 00:00
Năm 2021, trước tác động của đại dịch Covid-19, ngành ngân hàng tỉnh triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh nhiều khó khăn. Nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương và của tỉnh, ngành đã thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Đến hết tháng 1/2022, tổng dư nợ toàn địa bàn đạt 29.561 tỷ đồng, tăng 0,9% so với cuối năm 2021.

Trong năm, các tổ chức tín dụng đã tích cực triển khai các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước liên quan đến tiền tệ, tín dụng và lãi suất. Đồng thời đẩy mạnh công tác huy động vốn, tập trung các giải pháp mở rộng đầu tư tín dụng đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng. Trong đó, ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường quản lý đối với các lĩnh vực cho vay, như: Bất động sản, chứng khoán, các hoạt động cho vay các giao dịch có nguy cơ rủi ro cao trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 31/12/2021, tổng nguồn vốn hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 33.500 tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm 2020. Trong đó, vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư ước đạt 25.787 tỷ đồng. Tổng dư nợ toàn địa bàn đạt 28.554 tỷ đồng, tăng 16%. Cụ thể, cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm 55,5%; cho vay trong lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 20%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, chiếm 2% tổng dư nợ.

Bên cạnh đó, ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về tính dụng, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Qua đó, các tổ chức tín dụng đã thực hiện miễn, giảm 1,3 tỷ đồng tiền lãi của dư nợ gốc 362 tỷ đồng đối với 82 khách hàng; cơ cấu giữ nguyên nhóm cơ, thời hạn trả nợ cho 1.865 khách hàng với số tiền là 2.074 tỷ; cho vay mới với lãi suất ưu đãi 3.872 tỷ đồng đối với 784 khách hàng. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiên gia hạn nợ cho 56 khách hàng với số tiền là 1,85 tỷ đồng, cấp tín dụng 2.321 tỷ đồng đề người sử dụng lao động vay vốn với lãi suất 0% trả lương cho người lao động ngừng việc.

Năm 2022, bám sát Nghị quyết 01 của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng đã chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm ngay từ đầu năm. Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã thực hiện giám sát các tổ chức tín dụng chấp hành tốt quy định về lãi suất huy động, lãi suất cho vay. Đẩy mạnh tuyên truyền các chương trình, chính sách tín dụng ngân hàng, giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Lãi suất cho vay hiện nay được đánh giá ổn định. Cụ thể, lãi suất cho đối với các lĩnh vực ưu tiên 4,5%/năm đối với ngân hàng thương mại và 5,5%/năm đối với Quỹ tín dụng nhân dân. Lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh thông thường: Đối với ngân hàng thương mại ngắn hạn phổ biến 7 - 10,5%/năm, trung và dài hạn 5,9 - 12,7%/năm; Quỹ tín dụng nhân dân ngắn hạn từ 9,1 - 10,2%/năm, trung và dài hạn từ 10,2 - 11,6%/năm. Lãi suất cho vay tiêu dùng ngắn hạn tại các ngân hàng thương mại dao động từ 7 - 11,5%/năm, trung và dài hạn từ 8,5 - 13%/năm; Quỹ tín dụng nhân dân từ 11 - 12,2%/năm.

Với sự vào cuộc tích cực, linh hoạt của ngành Ngân hàng đã từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, duy trì vốn cho sản xuất, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Đến hết tháng 1/2022, tổng dư nợ toàn địa bàn đạt 29.561 tỷ đồng, tăng 0,9% so với cuối năm 2021, ước thực hiện đến hết tháng 2 tăng 2,5%; nợ xấu chỉ chiếm 0,71%/tổng dư nợ. Ngoài ra, hoạt động huy động vốn cũng đạt kết quả tích cực, các tổ chức tín dụng đã huy động được 33.913 tỷ đồng, tăng 1,1%./.