Các hoạt động phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, xúc tiến đầu tư được tiếp tục được quan tâm; tăng cường công tác phối hợp trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tập trung giải quyết những hạn chế để nâng cao chỉ số cạnh tranh của tỉnh, kết hợp với tăng cường các biện pháp xúc tiến đầu tư. Tổ chức thực hiện hiệu quả bộ chỉ số DDCI để đánh giá năng lực chính quyền cấp huyện và các sở, ngành của tỉnh. Quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2024, ước có 210 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 4.750 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp cấp mới bằng 98,6%, số vốn đăng ký bằng 112%; ước có 145 doanh nghiệp quay trở lại thị trường, 180 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động và 30 doanh nghiệp giải thể tự nguyện. Hướng dẫn Đoạn lý đường bộ số II tiếp tục thực hiện các nước chuyển công ty cổ phần. Công tác cấp đăng ký doanh nghiệp 100% hồ sơ đúng và trước thời hạn, thời gian giải quyết hồ sơ trung bình đối với doanh nghiệp thành lập mới và thay đổi 1,75 ngày (theo quy định 2 ngày), đăng ký thay đổi đối với doanh nghiệp giải thể: 3,0 ngày (theo quy định 3,5 ngày).
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 05 dự án đầu tư được cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1.050 tỷ đồng (trong đó có 01 dự án đầu tư nước ngoài có tổng vốn đăng ký khoảng 0,4 triệu USD và 04 dự án đầu tư trong nước); có 06 dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư; 03 dự án được chấp thuận nhà đầu tư và 01 dự án bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 715 dự án đầu tư còn hiệu lực hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 246.285 tỷ đồng (36 dự án FDI với số vốn đăng ký khoảng 469 triệu USD và 679 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký khoảng 240.600 tỷ đồng). Hiện còn 36 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 23.173 tỷ đồng hiện đang được tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định (đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư).
Công tác vận động và quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) được quan tâm. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 12 chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA (09 dự án đang triển khai thực hiện, 03 dự án chuẩn bị đầu tư). Tổng kế hoạch vốn năm 2024 phân bổ cho 09 chương trình, dự án đang triển khai thực hiện 146,052 tỷ đồng, trong đó vốn nước ngoài là 70,95 tỷ đồng (cấp phát từ ngân sách Trung ương là 66,82 tỷ đồng, vốn vay lại là 4,13 tỷ đồng). Vốn đối ứng là 75,102 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 10 tỷ đồng, NSĐP 65,102 tỷ đồng). Tính đến ngày 20/5/2024 thực hiện giải ngân giá trị khối lượng hoàn thành được Kho bạc kiểm soát chi là 30,336 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 22%), trong đó vốn ODA 18,892 tỷ đồng (ODA cấp phát 15,001 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 22%), vay lại 3,891 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 94%), đối ứng 11,444 tỷ đồng (ngấn sách địa phương, đạt tỷ lệ 18%). Nguồn vốn đối ứng giải ngân là 11,444 tỷ đồng (tỷ lệ 18%).
Công tác vận động và quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam được chú trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt tiếp nhận 07 chương trình, dự án phi chính phủ nước ngoài với tổng giá trị cam kết trên 1,5 triệu USD, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung vốn cho 02 dự án. Lũy kế đến tháng 6/2023, tỉnh Hòa Bình có 32 chương trình, dự án, phi dự án đang triển khai thực hiện với tổng số vốn cam kết trên 9,9 triệu USD. Các dự án được tài trợ bởi các cơ quan, tổ chức nước ngoài như ChildFund, GNI, HFHI, HAI…. Các dự án sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức được triển khai thực hiện tại 10/10 huyện, thành phố của tỉnh, chủ yếu ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn và tập trung vào các lĩnh vực: phát triển nông thôn tổng hợp, y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hiện đang triển khai thực hiện dự án tại tỉnh đều có Giấy phép đăng ký và có địa bàn hoạt động tại tỉnh Hòa Bình. Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có văn bản gửi PACCOM tham gia ý kiến việc gia hạn sửa đổi Giấy đăng ký hoạt động của 07 tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Các chương trình, dự án thuộc nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài tuy có quy mô nhỏ nhưng có những hoạt động thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của cộng đồng, xác định được đúng đối tượng, mục tiêu để thực hiện hỗ trợ nên đã nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền và người dân hưởng lợi từ dự án. Qua đó, nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của tỉnh.
Trong 6 tháng cuối năm 2024, ngành Kế hoạch và Đầu tư tập trung tuyên truyền, quán triệt sâu rộng đến cán bộ công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp về nội dung, ý nghĩa của hội nhập kinh tế quốc tế nhằm nâng cao nhận thức đúng, đầy đủ và nhất quán về vị trí, vai trò của hội nhập kinh tế quốc tế đối với nền kinh tế của tỉnh nói riêng và của Việt Nam nói chung. Tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Phát huy tính chủ động, tính chuyên nghiệp trong việc nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và quản lý đầu tư nước ngoài; thu hút đầu tư có chọn lọc, phát huy tiềm năng, thế mạnh và lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Tiếp tục tăng cường kêu gọi, thu hút nguồn vốn ODA, vốn viện trợ nước ngoài và các nguồn vốn khác đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh./.