Để ngăn chặn tình trạng khai thác giun đất trái phép, loại trừ những tác động xấu tới sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường đảm bảo an ninh trật tự xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau:
Về việc nhận diện các hành vi hủy hoại đất, hành vi gây ô nhiễm môi trường do việc thu bắt giun đất, sơ chế, sấy giun đất gây ra (như dùng hóa chất, dùng kích điện vv…)
Hành vi hủy hoại đất: Theo quy định tại khoản 25 Điều 3 Luật Đất đai 2013, hành vi làm biến dạng địa hình; suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm môi trường là hành vi huỷ hoại đất.
Căn cứ Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, hành vi hủy hoại đất được quy định về như sau: “Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định, trong đó: Làm suy giảm chất lượng đất trong các trường hợp: làm mất hoặc giảm độ dầy tầng đất đang canh tác; làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn sỏi, đá hay loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng; gây xói mòn, rửa trôi đất nông nghiệp;
Gây ô nhiễm đất là trường hợp đưa vào trong đất các chất độc hại hoặc vi sinh vật, ký sinh trùng có hại cho cây trồng, vật nuôi, con người;
Làm mất khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định là trường hợp sau khi thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP mà dẫn đến không sử dụng đất được theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất;
Làm giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định là trường hợp sau khi thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP mà phải đầu tư cải tạo đất mới có thể sử dụng đất theo mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất.”
Về hành vi gây ô nhiễm môi trường do việc khai thác giun đất, sơ chế, sấy giun đất gây ra:
Đối với việc khai thác giun: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh mới ghi nhận việc khai thác giun đất bằng kích điện, chưa ghi nhận việc khai thác giun đất bằng hóa chất. Chưa có nghiên cứu, ghi nhận về việc gây ô nhiễm môi trường của hành vi dùng kích điện để khai thác giun đất.
Tuy nhiên, giun đất đóng vai trò quan trọng trong vòng tuần hoàn vật chất trong tự nhiên cũng như dòng chảy năng lượng của thế giới sống. Đối với loại đất màu mỡ, số lượng giun dao động tầm 300 - 500 con/m2. Càng có nhiều giun nghĩa là chất lượng đất tại khu vực đó càng tốt.
Ngoài ra, mật độ giun trong đất lớn còn ngầm hiển thị các hoạt động sống tự nhiên của các sinh vật như vi khuẩn, vi nấm,… Hệ sinh vật đất giúp phân hủy chất hữu cơ làm đất giàu dinh dưỡng. Giun còn làm đất tơi xốp, thoáng khí nên tác động trực tiếp đến sự phát triển của cây trồng, cấu trúc đất và chu trình cacbon; Giun đất ăn những mảnh vụn hữu cơ mục nát như xác bã thực vật, cỏ khô, lá khô … nên phân của chúng có hàm lượng dinh dưỡng rất lớn. Phân giun cung cấp lượng mùn, các muối canxi và kali dễ tiêu cho cây trồng. Góp phần chuyển đổi môi trường đất chua, kiềm hoặc mặn về môi trường trung tính, cân bằng độ pH đất thích hợp cho cây trồng sinh trưởng và phát triển; Khi giun chết, xác chúng phân hủy và tạo ra lượng Nitơ cho đất hấp thụ. Phân và xác giun khi kết hợp với hạt đất có thể làm tái tạo keo đất, giữ độ ẩm đất. Giun còn có khả năng hỗ trợ tiêu diệt những vi khuẩn, nấm bệnh có hại cho đất, gây bệnh trên cây trồng, vì khi chúng ăn lá cây sẽ đồng thời tiêu hóa luôn những nấm mốc, vi khuẩn có hại, phân của chúng là môi trường tốt nhất để các loại vi sinh vật hữu ích phát triển.
Đối với việc sơ chế giun đất: Giun đất được sơ chế qua các công đoạn: mổ giun->làm sạch bằng nước-> sấy bằng lò (thủ công).
Việc sơ chế giun sẽ phát sinh nước thải, khí thải, mùi hôi thối nếu không được xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường.
Do đó, hành động “tận diệt” giun đất và các sinh vật có ích khác trong đất bằng hình thức kích điện như con dao chặt đứt chu trình cải tạo đất trong tự nhiên, làm suy giảm chất lượng đất canh tác nông nghiệp, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển của cây trồng.
Các chế tài áp dụng quản lý, xử lý theo quy định hiện hành về việc khai thác, sơ chế giun đất:
Hành vi khai thác giun đất: Hiện nay, chưa có quy định cụ thể cũng như chế tài xử lý đối với hành vi dùng kích điện khai thác giun đất.
Đối với hành vi làm suy giảm chất lượng đất: Căn cứ Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì hình thức và mức xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 héc ta;
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 01 héc ta trở lên.
Trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 của Luật đất đai.
Đối với việc sơ chế giun đất: Theo Điều 6, Luật Bảo vệ năm 2020 quy định: Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường:
Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường.
Gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường; xả thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí.
Thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Theo điểm a, khoản 1, Điều 58, Luật bảo vệ môi trường năm 2020 quy định Bảo vệ môi trường nông thôn yêu cầu “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, chế biến phải phù hợp với quy hoạch, tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo đảm không ảnh hưởng đến chất lượng môi trường xung quanh; chất thải phải được thu gom, tái sử dụng, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường”
Vì vậy, các cơ sở sơ chế giun đất phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý về chủ trương đầu tư, đất đai, môi trường,..theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể:
Về chủ trương: Cơ sở có được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề sơ chế giun hay không? Có được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động sơ chế giun đất hay không?
Về đất đai: Xem xét việc hoạt động của các cơ sở thu gom, sơ chế, mua bán giun đất với sự phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương hay không? Sử dụng đất có đúng mục đích hay không?
Về môi trường: Xem xét, yêu cầu lập hồ sơ môi trường đối với các cơ sở thu gom, sơ chế, mua bán giun đất thuộc đối tượng phải thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, có giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường (theo quy định tại Điều 30, Điều 39 và Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).Các hành vi vi phạm đối với các cơ sở thu gom, mua bán, sơ chế giun đất không có đầy đủ hồ sơ môi trường theo quy định và không có các công trình, biện pháp bảo vệ vệ môi trường thì mức xử phạt quy định cụ thể tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các lực lượng chức năng:
Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là những người trực tiếp có hoạt động kích giun đất, các cơ sở, hộ gia đình sơ chế, thu mua, buôn bán giun đất. Khuyến khích người dân tích cực phát giác, thông báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện hoạt động kích điện, sơ chế giun trái phép để có biện pháp xử lý vi phạm.
Tổ chức kiểm tra (thường xuyên và đột xuất) đối với các cơ sở thu gom, sơ chế, mua bán giun đất, kịp thời phát hiện những cơ sở hoạt động chui, không có đầy đủ hồ sơ pháp lý, xử lý nghiêm theo quy định (đình chỉ hoạt động, tháo dỡ nhà xưởng sơ chế, xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu tang vật…).
Tiến hành kiểm tra, rà soát, phát hiện, ngăn chặn đồng thời xử lý nghiêm, kịp thời các đối tượng có hành vi bắt giun bằng kích điện gây suy giảm chất lượng đất.
Tiếp tục thực hiện hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản số 2640/SNN-TT&BVTV ngày 22/12/2020 về việc vận dụng quy định pháp luật trong quản lý khai thác, vận chuyển, buôn bán giun đất.
Trên đây là một số nội dung về việc ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác giun đất trái phép. Sở Tài nguyên và Môi trường trân trọng báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị quan tâm, chỉ đạo thực hiện./.