Theo Ông Nguyễn Hồng Tuấn, Phó Chánh Văn phòng nông thôn mới của tỉnh đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), ông vui mừng cho biết, chương trình OCOP đã giúp nâng tầm nông sản, sản phẩm ở nông thôn. Nếu như trước đây, một số sản phẩm đặc hữu của Hòa Bình như: Bưởi đỏ Tân Lạc, Bưởi Diễn Yên Thủy, Cam Cao Phong, Quýt Nam Sơn, Cá sông Đà… chỉ nổi tiếng ở trong địa bàn tỉnh thì sau khi tham gia Chương trình OCOP, "Tiếng tăm" của các sản phẩm đã vươn ra cả nước, được nhiều người biết đến, thậm chí bắt đầu xâm nhập vào thị trường quốc tế. Ông Tuấn lấy dẫn chứng thành công từ trái Bưởi Diễn Yên Thủy, Bưởi đỏ Tân Lạc và Cam Cao Phong khi các sản phẩm này đã được tỉnh Hòa Bình xuất khẩu sang các thị trường có tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe như: Anh, Đức...
Nối tiếp những thành công của trái Bưởi, Cam, hiện nay, tỉnh Hòa Bình tiếp tục có những đơn hàng xuất khẩu một số sản phẩm đặc hữu đã qua chế biến với khối lượng rất lớn vào các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có thị trường tiêu thụ rất lớn, đơn cử như: Hành tăm (sản phẩm đạt OCOP 3 sao năm 2021). Nếu như trước đây bà con chỉ trồng nhỏ lẻ vài ha nhưng từ khi "gắn sao" OCOP diện tích trồng hành tăm đã tăng lên 70 ha. "Trước Tết một tháng sản phẩm Hành tăm của tỉnh Hòa Bình còn không đủ bán ra thị trường". "Chương trình OCOP không chỉ giúp nâng tầm sản phẩm mà sẽ thúc đẩy các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn...Và đây là yếu tố cốt lõi trong Chương trình Xây dựng nông thôn mới, đồng thời góp phần vào phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững".
Đến nay, tỉnh Hòa Bình đã có 99 sản phẩm OCOP 3 sao và 24 sản phẩm OCOP 4 sao. Hiện nay, Hòa Bình cũng đang nâng cao chất lượng, phát triển 2 sản phẩm đặc hữu là Bưởi đỏ Tân Lạc và Cam Cao Phong, có khối lượng xuất khẩu lớn vào các thị trường: Anh, Đức, để từ đó, có cơ sở để được cấp sản phẩm OCOP 5 sao.
Chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh Hòa Bình, ông Tuấn cho biết: Khi đánh giá sản phẩm OCOP thì các cơ quan chuyên môn đều thực hiện qua 3 bước. (Bước 1) nghiên cứu hồ sơ; (Bước 2) chấm trên thực địa; (Bước 3) tổ chức hội đồng đánh giá. Sau khi đánh giá, trong quá trình thực hiện sẽ tổ chức các cuộc kiểm tra chất lượng, đánh giá lại các sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên khi đưa ra thị trường tiêu thụ, ngoài thành lập đoàn của Sở NNPTNT kiểm tra, đánh giá còn có sự phối hợp của cơ quan quản lý thị trường để từ đó có thể đánh giá chính xác về chất lượng, cũng như không để tình trạng "Bỏ rơi sản phẩm" sau khi được công nhận OCOP.
Để Chương trình OCOP phát triển bền vững, hiệu quả, ông Tuấn cho rằng, với quy mô xuất khẩu thì phải đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, các chủ thể OCOP là doanh nghiệp còn rất khiêm tốn, trong 103 chủ thể của Hòa Bình thì chỉ có 19 doanh nghiệp, chủ yếu là Hợp tác xã, tổ hợp tác. Với Hợp tác xã, tổ hợp tác, năng lực tài chính, quản trị chắc chắn sẽ yếu. Nếu muốn mở rộng thị trường Nhà nước phải xây dựng cơ chế chính sách để hỗ trợ các chủ thể sau khi được công nhận sản phẩm OCOP./.