DetailController

Khoa học - Môi trường

Nâng cao ý thức về bảo hộ lao động khi sử dụng thuốc BVTV

22/07/2011 00:00
Tuy chưa có con số thống kê cụ thể các trường hợp bị ngộ độc thuốc BVTV trên toàn tỉnh nhưng chỉ riêng từ đầu năm đến nay, đã có hàng chục ca mắc, rải rác trên địa bàn các huyện như Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong… Các ca ngộ độc thường ở mức độ nhẹ, phổ biến nhất là do hít phải hoặc bị dính vào da trong quá trình phun thuốc BVTV. Đây là hậu quả của việc chủ quan, bất cẩn của không ít nông dân thiếu ý thức trang bị đồ bảo hộ lao động khi phun, xịt thuốc BVTV, làm ảnh hưởng sức khỏe bản thân, môi trường và cộng đồng.
Phun thuốc trong tình trạng thiếu trang bị đồ bảo hộ lao động vẫn diễn ra phổ biến (ảnh tại xóm Đúng – xã Thu Phong – Cao Phong).

 

Theo anh Bùi Văn Đồng – cán bộ kỹ thuật trạm BVTV huyện Cao Phong, thuốc BVTV nếu sử dụng trong nông nghiệp hợp lý sẽ góp phần đáng kể bảo vệ mùa màng, cải thiện chất lượng nông sản. Ngược lại, nếu sử dụng tùy tiện, không đảm bảo an toàn sẽ cực kỳ nguy hiểm với sức khỏe cộng đồng. Hiện nay, bà con nông dân trong tỉnh đang tập trung đẩy mạnh việc chăm sóc ngô, mía và nhiều nông sản khác, vấn đề tập huấn, hướng dẫn nông hộ dùng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, nồng độ, đúng lúc và đúng cách) cần được tăng cường.
           
Có một thực tế là mặc dù đã có những khuyến cáo đối với bà con nông dân trong hướng dẫn, sử dụng thuốc nhưng việc tuân thủ, chấp hành còn ở chừng mực nhất định. Qua tìm hiểu tại một số vùng chuyên canh trồng cam, mía ở thị trấn Cao Phong, xã Thu Phong, Tây Phong (Cao Phong), vùng trồng ngô, mía ở Phú Vinh, Phú Cường, Ngổ Luông (Tân Lạc) vẫn còn nhiều trường hợp phun thuốc BVTV không trang bị đủ các phương tiện bảo hộ cần thiết như kính mắt, mũ, khẩu trang và có tới 80% - 90% trong số đó không đeo găng tay trong quá trình phun thuốc.  Ngay tại vùng chuyên canh cam của thị trấn Cao Phong, vẫn có thể chứng kiến những bóng dáng nông đứng phun thuốc trừ nhện cho cây trồng trong tình trạng đội nón, không kính mắt, găng tay, khẩu trang che miệng và mũi, ủng… giữa tiết trời nắng gay gắt. Thêm vào đó, việc người dân vứt, bỏ bừa bãi vỏ chai lọ, bao bì thuốc ngay tại chân ruộng, gần các kênh, mương cũng làm ảnh hưởng đến nguồn nước, không khí, môi trường.
           
Mới đây, tại xã vùng cao Ngổ Luông, huyện Tân Lạc đã có một số trường hợp bị trúng độc với các triệu trứng đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, khó chịu, yếu sức, đổ mồ hôi sau phun thuốc BVTV. Anh Bùi Văn Liền – cán bộ khuyến nông viên xã cho biết: bà con trong xã thường sử dụng thuốc BVTV trong chăm sóc cây trồng, chủ yếu trên cây ngô. 2 trường hợp biểu hiện rõ nhất của tình trạng ngộ độc thuốc kèm yếu tố say nắng sau phun thuốc là anh Bùi Văn D. - 27 tuổi, anh Bùi Văn Th. - 30 tuổi đều là nông dân xóm Luông Dưới. Đối với các trường hợp này, triệu chứng cụ thể nhất là bị chếnh choáng, nhức đầu, chóng mặt, muốn ói mửa. Cũng theo anh Liền, ngoài các trường hợp kể trên, nhiều bà con nông dân phản ảnh bị chóng mặt, khó chịu, buồn nôn khi đi ngang qua khu vực cây trồng vừa phun thuốc.
 
Bác sĩ Bùi Ngọc Phương – Trưởng phòng Y tế huyện Tân Lạc nhận định: Tuy số vụ ngộ độc thuốc BVTV trên địa bàn ngày càng ít đi nhưng vài năm trở lại đây vẫn còn có ca ngộ độc do hít, dính phải, thậm chí uống nhầm thuốc BVTV mà hệ thống y tế cơ sở đã phải tiếp nhận. Việc thiếu trang bị các điều kiện bảo hộ cần thiết trong quá trình phun thuốc là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ việc trên. Đồng thời cho rằng: nếu nhà nông cẩn trọng hơn trong việc sử dụng thuốc thì hoàn toàn có thể phòng, tránh được tình trạng ngộ độc, làm ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và cộng đồng cả về trước mắt và lâu dài.
 
Đảm bảo an toàn cho người phun thuốc BVTV và môi trường xung quanh luôn là yêu cầu bức thiết, đòi hỏi người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng vệ, ngành chức năng đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con kiến thức, kỹ thuật phun hiệu quả, an toàn. Để tránh được rủi ro, khuyến cáo nông hộ khi phun thuốc phải có sự chuẩn bị đầy đủ về dụng cụ bảo hộ lao động, kể cả dụng cụ pha thuốc như ống đong, cân, xô pha thuốc, que khuấy và bình phun. Sử dụng thuốc có bao bì an toàn, nơi pha thuốc gần ruộng cần phun, xa nguồn nước sinh hoạt, chuồng trại và gia súc. Khi đang phun thuốc không nên ăn, uống, hút thuốc, tránh không đụng tay vào bất cứ nơi nào trên cơ thể, nhất là đối với mắt. Sau khi phun, quần áo và dụng cụ lao động, bình bơm phải được rửa sạch sẽ và cất giữ trong kho riêng. Không trút, đổ thuốc dư thừa, nước rửa bình bơm và nguồn nước sinh hoạt. Vỏ chai, bao bì thuốc phải được hủy, chôn ở xa nguồn nước sinh hoạt và khu dân cư.