DetailController

Kinh tế

Nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường nông thôn, góp phần kiểm soát ô nhiễm không khí

10/10/2022 00:00
Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, thời gian qua, ngành Nông nghiệp &PTNT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hưởng ứng, triển khai hành động để tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp tốt với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra; thực hiện tốt bảo vệ và phát triển rừng nhằm nâng cao chất lượng không khí

Ngành đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền vận động người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản được lồng ghép thông qua việc tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, kiểm tra chuyên ngành nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức và người dân trong việc giữ gìn môi trường nói chung, kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí nói riêng; nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, sản xuất nông nghiệp theo quy trình an toàn sinh học, quy trình VietGAP… Đồng thời đã phối hợp, lồng ghép trong các lớp tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn việc triển khai thu gom, xử lý, chế biến phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành các sản phẩm có ích, không đốt phụ phẩm nông nghiệp; xử lý, tiêu hủy theo quy định về bảo vệ môi trường. Các đơn vị chuyên môn của Sở phối hợp, hướng dẫn các địa phương quản lý chặt chẽ các nguồn chất thải từ hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp (rơm, rác thải, bao bì thức ăn, thuốc BVTV, thuốc thú y, chất thải chăn nuôi…) và xử lý đúng quy định về bảo vệ môi trường. Kết quả: Từ năm 2021 đến nay đã tổ chức, phối hợp tập huấn, tuyên truyền được trên 70 lớp với hơn 2.100 lượt người tham gia về hướng dẫn sử dụng an toàn thuốc BVTV và thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng cho các xã ở các vùng sản xuất trồng trọt trọng điểm của tỉnh. Đặc biệt, trong hoạt động quảng bá, hội thảo về thuốc bảo vệ thực vật đều có quy định bắt buộc giới thiệu về nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ an toàn, hiệu quả.

Tới nay, 100% các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, quy mô vừa và khoảng 30% hộ chăn nuôi trong tỉnh có bể Biogas, ủ Compart kết hợp với phương pháp ủ sinh học và chăn nuôi bằng đệm lót sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi, đồng thời tận dụng làm chất đốt giúp tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Công tác thu gom và xử lý chất thải rắn nguy hại (bao bì thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y) từ các cơ sở chăn nuôi được thu gom xử lý đúng theo quy định, các cơ sở đều có kho chứa thất thải nguy hại và có hợp đồng xử lý chất thải nguy hại với các đơn vị thu gom xử lý chất thải.

Nhờ đó: Đến hết năm 2021 đã có 83/129 xã đạt tiêu chí số 17 về Môi trường và an toàn thực phẩm. Đến nay, toàn tỉnh đã có 107 xã đạt tiêu chí 17.9 trong tổng số 129 xã được đánh giá trên toàn tỉnh; 72.271 cơ sở  đạt tiêu chí 17.9 trong tổng số 108.376 cơ sở được đánh giá trên toàn tỉnh, chiếm tỷ lệ 66,69% đạt chỉ tiêu chung của tỉnh (≥ 60%). Có 53 xã đạt tiêu chí 17.8 trong tổng số 129 xã được đánh giá trên toàn tỉnh; 36.579 cơ sở  đạt tiêu chí 17.8 trong tổng số 108.376 cơ sở được đánh giá trên toàn tỉnh, chiếm tỷ lệ 33,75% đạt chỉ tiêu chung của tỉnh (≥ 75%).

Do làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, 9 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh không có các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái phép, an ninh rừng được giữ vững. Hưởng ứng tết trồng cây và chương trình trồng 1 tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh”, trong năm 2021, toàn tỉnh đã trồng 8,5 nghìn ha rừng trồng tập trung (đạt 151,8% so với kế hoạch năm); trồng 1,28 triệu cây phân tán và cây ăn quả các loại (đạt 163,7% so với kế hoạch năm); tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định trên 51,5%. Năm 2022, tính đến nay toàn tỉnh đã trồng được 6.685,62 ha rừng trồng tập trung (đạt 116,88% kế hoạch) và 921.925 cây phân tán (đạt 101,73% kế hoạch).

Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được thực hiện tốt. Duy trì trực PCCCR 24/24 giờ, đảm bảo quân số thường trực trong những ngày cao điểm nắng nóng; đặc biệt luôn chuẩn bị tốt máy móc, thiết bị, phương tiện, nhân lực sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra. Công tác ban hành cấp dự báo cháy rừng và các bảng tra cấp dự báo cháy rừng; tổ chức cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng, phát hiện sớm cháy rừng được chú trọng thực hiện thường xuyên. Hằng năm, chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm phối hợp, tham mưu cho UBND huyện huy động lực lượng tiến hành tu sửa các công trình phòng cháy như: bảo dưỡng và lắp đặt mới 300 bảng biển tuyên truyền về công tác BVR và PCCCR; duy trì 114,98 km đường băng trắng cản lửa. Trong 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy rừng với tổng rừng bị cháy là 1,005 ha tại các huyện: Yên Thuỷ, Đà Bắc và thành phố Hoà Bình. Các đám cháy đã được lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương kịp thời phát hiện, huy động lực lượng tại chỗ khống chế, hạn chế được các thiệt hại về người và tài sản.

Ngành đã thực hiện tốt bảo vệ và phát triển rừng, phối hợp tốt với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra phát hiện, ngăn chăn và xử lý kịp thời các vụ mua bán, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện 23 vụ và xử lý 20 vụ vi phạm quy định về lâm nghiệp (3 vụ vô chủ); tịch thu 35,28 m3 gỗ các loại và 660 kg thớt gỗ Nghiến; nộp ngân sách 315 triệu đồng. Các vụ vi phạm được xử lý nghiêm, đúng hành vi vi phạm, có tính răn đe cao và không có khiếu nại xảy ra./.