DetailController

Kinh tế

Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của chi nhánh NHCSXH

10/06/2024 10:59
Ngân hàng Chính sách xã hội được thành lập và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận với nhiệm vụ là thực hiện các chương trình tín dụng chính sách chỉ định của Chính phủ để cho vay cho người nghèo, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay giải quyết việc làm, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...
Nguồn vốn từ các chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ người dân tộc thiểu số huyện Mai Châu kinh doanh với mô hình du lịch dịch vụ homestay

Sau khi được thành lập và đi vào hoạt động, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Mô hình quản trị của NHCSXH có sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, đã gắn kết công tác chuyên môn của từng ngành, lĩnh vực, địa phương với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Cùng với phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù thông qua hình thức: Phân công, phân cấp trách nhiệm trong việc xác định đối tượng thụ hưởng đủ điều kiện vay vốn; thực hiện dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư; kết hợp sự tham gia của 04 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với vai trò giám sát xã hội và làm uỷ thác một số nội dung công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách, giúp cho việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng kịp thời, hiệu quả; đồng thời huy động được sức mạnh của cộng đồng, toàn xã hội cùng chung tay giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động NHCSXH tại địa phương.

Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp thường xuyên được kiện toàn kịp thời theo quy định. Đến nay Ban đại diện Hội đồng quản trị có tổng số 282 thành viên; trong đó cấp tỉnh 13 người, cấp huyện có 269 người. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp kiện toàn bổ sung 151 Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT cấp huyện. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, phát huy hiệu quả của tín dụng chính sách, giúp cấp ủy, chính quyền cấp xã thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Trong 10 năm qua, Ban đại diện HĐQT các cấp luôn bám sát Nghị quyết HĐQT, NHCSXH Việt Nam, Ban đại diện HĐQT cấp trên để cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phù hợp với thực tiễn cơ sở; chủ động tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH; thực hiện nghiêm túc, chất lượng công tác kiểm tra, giám sát hằng năm; giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở. Đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chủ tịch UBND cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, từ việc triển khai, phổ biến các chương trình, chính sách tín dụng mới đến việc rà soát nhu cầu vay vốn, xây dựng chỉ tiêu kế hoạch tín dụng theo từng năm, giai đoạn; phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ đến thôn; chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan quản lý tốt nguồn vốn đã cho vay từ khâu bình xét cho vay, xác nhận đối tượng; giám sát, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn vay, đôn đốc khách hàng thực hiện các cam kết với ngân hàng, Tổ TK&VV, thực hiện trả nợ khi đến hạn; thường xuyên tham gia các buổi họp giao ban với NHCSXH tại Điểm giao dịch xã hàng tháng, trực tiếp nắm bắt thông tin từ cán bộ NHCSXH cũng như các khó khăn, vướng mắc phát sinh từ tổ TK&VV, tổ chức CT-XH nhận ủy thác, cũng như qua kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng tại các Thôn để thống nhất đưa ra các biện pháp giải quyết, kịp thời kiện toàn những Tổ TK&VV hoạt động kém hiệu quả; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo an ninh cho hoạt động các phiên giao dịch lưu động, Điểm giao dịch xã của NHCSXH.

Công tác kiểm tra giám sát của Ban đại diện HĐQT các cấp, Hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp và hệ thống kiểm tra kiểm soát nội bộ của NHCSXH được thực hiện thường xuyên, đi vào chiều sâu và đang phát huy hiệu lực, hiệu quả, tiếp tục đưa chất lượng hoạt động tín dụng chính sách ngày càng nâng lên, hoạt động ủy thác, chất lượng Tổ TK&VV đi vào nề nếp, hiệu quả. Thông qua công tác kiểm tra, đã kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót và kịp thời chấn chỉnh, khắc phục.

Bên cạnh đó, Chi nhánh NHCSXH luôn chú trọng thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ, quán triệt các quy định cán bộ NHCSXH không được làm; quan tâm, tạo điều kiện, cử cán bộ tham gia các lớp học chính trị, nâng cao chuyên môn, đào tạo kỹ năng quản lý do các Trường, Cơ sở đào tạo, NHCSXH Trung ương tổ chức để nâng cao năng lực, trình độ lý luận, chuyên môn, ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, người lao động.

Hiện nay, chi nhánh NHCSXH đang triển khai thực hiện ứng dụng các chương trình phần mềm hỗ trợ công tác thống kê, thông tin báo cáo và các hoạt động nghiệp vụ, sử dụng Core-Banking, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ và nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an toàn trong hoạt động Ngân hàng. Đồng thời, triển khai thực hiện các phần mềm ứng dụng cảnh báo từ xa để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và các hoạt động nghiệp vụ như: kiểm tra giám sát từ xa, kiểm tra thông tin khách hàng trước khi cho vay, thống kê các chương trình cho vay từ nguồn vốn địa phương, kiểm tra giám sát từ xa. Cũng như bước đầu triển khai ứng dụng Mobile-banking để hỗ trợ, phục vụ các đối tượng khách hàng của NHCSXH.

Ngoài ra, thông qua phương thức ủy thác đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành; nguồn vốn tín dụng chính sách được chuyển tải nhanh chóng, kịp thời đến đối tượng thụ hưởng quy định, đảm bảo tính công khai, dân chủ và giúp cho Hội đoàn thể nhận ủy thác có điều kiện tiếp xúc, gắn kết với cộng đồng dân cư thông qua hoạt động của Tổ TK&VV, thu hút nhiều hội viên, thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hiệu quả hơn, ... góp phần củng cố vững chắc hệ thống chính trị tại cơ sở. Đến 30/4/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách 04 tổ chức CT-XH nhận ủy thác đang phối hợp quản lý là 5.027,6 tỷ đồng, tăng 3.196 tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 99,6% tổng dư nợ NHCSXH; trong đó Hội Phụ nữ quản lý 1.359,2 tỷ đồng, chiếm 27%; Hội Nông dân quản lý 1.258,1 tỷ đồng, chiếm 25%; Hội Cựu Chiến binh quản lý 1.205,8 tỷ đồng, chiếm 24%; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quản lý 1.204,5 tỷ đồng, chiếm 24%.

Hoạt động giao dịch xã vào một ngày cố định hàng tháng và công khai các chủ trương chính sách tín dụng, danh sách hộ vay, … tại 151 Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn dễ dàng nắm bắt chủ trương chính sách tín dụng, nhanh chóng tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng; trả nợ, nhận tiền vay hoặc giải quyết, xử lý các công việc liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách ngay tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, giúp người vay tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại do không phải đến giao dịch trực tiếp tại trụ sở ngân hàng khi. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để chính quyền địa phương, nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của NHCSXH tại cơ sở, nhờ đó đã hạn chế được việc thất thoát, xâm tiêu, tham ô lợi dụng tiền vốn, tạo được lòng tin của nhân dân đối với các chính sách của Đảng, Chính phủ và đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội./.