DetailController

Kinh tế

Nâng cao giá trị nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa

20/07/2022 00:00
Hòa Bình là tỉnh có tiềm năng phát triển thủy sản tương đối lớn với trên 14.560 ha mặt nước ao, hồ, công trình thủy lợi, thủy điện. Ngoài ra còn có một số sông suối lớn có thể nuôi cá lồng, bè hoặc tổ chức quản lý bảo vệ để tái tạo phát triển nguồn lợi cho khai thác tự nhiên. Đặc biệt, hồ thủy điện Hòa Bình có tổng diện tích mặt nước 16.800 ha. Hồ được coi là là kho tàng quý báu về thủy sinh vật và nguồn lợi thủy sản đặc trưng của vùng Tây Bắc Việt Nam.
Phát triển nuôi cá vùng hồ đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho trên 5.000 lao động địa phương

Phát huy lợi thế trên, những năm qua tỉnh đã tập trung phát triển thủy sản đặc biệt là phát triển nuôi cá lồng bè trên hồ thủy điện sông Đà. Khai thác tốt tiềm năng lợi thế của tỉnh đối với các sản phẩm chăn nuôi có ưu thế và khả năng cạnh tranh như cá: lăng, chiên, tầm, trắm đen, bỗng, rô phi, điêu hồng…Phát triển thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đến nay, số lồng nuôi cá là 4.750 lồng, sản lượng nuôi lồng đạt trên 5,5 nghìn tấn, giá trị sản xuất theo giá so sánh ngành thủy sản đạt 254 tỷ đồng, thu nhập bình quân 1 lồng nuôi 50m3 từ 50 – 70 triệu đồng/năm, tương đương giá trị thu được trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản năm 2021 đạt 200 triệu đồng.

Phát triển nuôi cá vùng hồ đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho trên 5.000 lao động. Hiện có 25 cơ sở nuôi trên 20 lồng, hiện có 4 cơ sở nuôi trên 100 lồng, 7 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đã ký kết liên doanh với các hộ dân nuôi cá lồng hợp quy chuẩn VietGAP cung cấp trên 2 nghìn tấn cá thương phẩm/năm ra thị trường. Có 3 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sông Đà tiêu thụ tại Hà Nội, tương ứng khoảng 500 lồng nuôi. Thực hiện thành công mô hình chuỗi an toàn thực phẩm cá sông Đà triern khai 2 dự án lien kết sản xuất cá sông Đà theo chuỗi giá trị tại 5 huyện vùng hồ với quy mô 300 lồng nuôi, 70 hộ tham gia bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia NTM. Triển khai 3 đề tài khoa học ứng dụng công nghệ cao nuôi cá lồng trên vùng hồ và 1 đề tài ương cá giống trong lồng đạt kết quả tốt. Nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao được phát triển mạnh, sản phẩm cá, tôm sông Đà được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng; nhãn hiệu cá, tôm sông Đà Hòa Bình đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận là điều kiện phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và hướng đến thị trường xuất khẩu.

Sản phẩm thủy sản chủ yếu được tiêu thụ qua thương lái và bán lẻ. Mặc dù đã có nhiều cơ sở lớn có chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nhưng chưa bao tiêu được sản phẩm cá nuôi của các hộ khác, do vậy sản lượng và chất lượng sản phẩm của tỉnh chưa đồng đều thiếu tính liên kết giữa sản xuất bền vững, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay việc đưa các giống cá có giá trị kinh tế, cá đặc sản vào nuôi còn hạn chế do giá thành đầu vào con giống, thức ăn cao trong khi người dân còn khó khăn về kinh phí để đầu tư sản xuất. Nuôi trồng thủy sản trong những năm qua tuy có chuyển biến tích cực nhưng tốc độ phát triển còn chậm, chưa tương xứng với thế mạnh và tiềm năng của tỉnh.

Để tiếp tục nâng cao giá trị nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa, thời gian tới cần phát huy thế mạnh tiềm năng mặt nước nuôi trồng thủy sản; tập trung đầu tư để ngành thủy sản phát triển tương xứng, cân đối trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp; tổ chức chuyển những diện tích sản xuất khác kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao; phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa giống loài, hình thức nuôi để đáp ứng nhu cầu thị trường và tránh rủi ro do thiên tai và dịch bệnh; tận dụng một số vùng phù hợp để nuôi cá đặc sản. Xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến, thị trường; để đảm bảo nuôi an toàn đối với sản phẩm thủy sản và tạo được thị trường bền vững. Tổ chức các hình thức quảng bá sản phẩm phù hợp; thúc đẩy sự tham gia kịp thời của các sàn thương mại điện tử trong việc đào tạo, tập huấn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tiếp cận CNTT. Tập trung đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa các hộ nuôi lồng, bè hình thành cá HTX nghề cá liên kết với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh hướng sản phẩm ra thị trường khu vực và thế giới; mở rộng quy mô lồng, bè nuôi trên các thủy vực; lựa chọn phát triển đối tượng nuôi chủ lực theo đề án tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phấn đấu có từ 06 – 08 sản phẩm cá nuôi lồng, bè đạt chứng nhận OCOP của tỉnh./.