Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở TN&MT cho biết: hiện nay trên địa bàn tỉnh có 7 công ty nông, lâm nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với trên 20,4 nghìn ha diện tích đất quản lý, sử dụng. Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về lập hồ sơ thu hồi, xử lý đối với diện tích đất các nông, lâm trường không có nhu cầu sử dụng để bàn giao cho địa phương, Sở TN&MT đã thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định thu hồi hơn 8,7 nghìn ha, còn trên 4,4 nghìn ha đất chưa lập hồ sơ thu hồi chủ yếu tại huyện Lạc Thủy, Kỳ Sơn và thành phố Hòa Bình. Tuy nhiên diện tích đất các nông trường trả lại cho địa phương manh mún do đó khó khăn trong việc quy hoạch cho các mục đích sử dụng mới; còn tồn tại vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do các cán bộ, công nhân đã làm nhà ở trên đất nông lâm trường.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 33 dự án công nghiệp, khu dân cư, khu thương mại, dịch vụ với trên 1,7 nghìn ha đất giao, cho thuê. Có gần 10 nghìn ha đất dự án sản xuất, kinh doanh ngoài khu, cụm công nghiệp với tổng số 267 dự án. Việc triển khai thực hiện các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư, đô thị, khu thương mại dịch vụ đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số chủ đầu tư hạn chế về năng lực tài chính dẫn tới tiến độ đầu tư chậm; công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư một số dự án còn chậm, thời gian giải phóng mặt bằng kéo dài ảnh hưởng tới tiến độ và hiệu quả đầu tư.
Đã có 139 dự án được cấp phép phục vụ hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó 111 dự án đã được UBND tỉnh quyết định thu hồi và cho thuê đất với diện tích hơn 1,1 nghìn ha và 28 dự án (349ha) được cấp phép hoạt động khoáng sản nhưng chưa lập hồ sơ thu hồi, giao đất, cho thuê đất. Hầu hết các dự án đều khai thác ở dạng quy mô nhỏ, công nghiệp khai thác còn hạn chế, chưa giải quyết được nhiều lao động, đóng góp ngân sách nhà nước còn ít.
Thảo luận tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành cho biết: lĩnh vực tài nguyên môi trường là lĩnh vực rộng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều sở, ngành để giải quyết đầy đủ và đồng bộ. Hiện nay công tác quản lý tài nguyên – môi trường trên ba lĩnh vực trên đều gặp nhiều khó khăn do năng lực tài chính của các nhà đầu tư còn hạn chế ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án; hoạt động bất động sản trầm lắng, đầu tư kém; hoạt động khoáng sản ở dạng quy mô nhỏ, kém hiệu quả, khó thu thuế và gây ảnh hưởng tới môi trường sinh thái.
Ghi nhận ý kiến của các đại biểu tại buổi làm việc, để kịp thời định hướng tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý tài nguyên – môi trường thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành và yêu cầu các sở, ngành nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phối hợp. Chủ tịch UBND tỉnh giao sở TN&MT chủ trì phối hợp với các ngành để lập kế hoạch, tham mưu cho UBND tỉnh các nhiệm vụ trọng tâm về công tác quản lý, sử dụng đất của các dự án công nghiệp - dịch vụ, dự án hoạt động khoáng sản, đất các nông, lâm trường. Cụ thể: về đất nông lâm, trường cần xem xét lại các vấn đề về quy hoạch, các phần diện tích đất thu hồi chưa xong, diện tích đất chưa lập hồ sơ thu hồi; đặc biệt diện tích đất NLT đã giao cho các địa phương cần phải có kế hoạch, lộ trình sử dụng cụ thể, hiệu quả. Về đất các dự án công nghiệp – thương mại, cần thống kê đầy đủ về số đất đã giao, đã thu hồi và thời gian tới sẽ tiến hành thu hồi. Đối với đất đã giao nhưng doanh nghiệp không triển khai thì phải lập danh sách để tiến hành thu hồi theo lộ trình, trình tự. Đối với các dự án hoạt động khoáng sản, hạn chế cấp giấy chứng nhận cho dự án khai thác kim loại; chủ yếu dành cho các dự án khai thác vật liệu xây dựng. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành cần chủ động phối hợp, tiến hành rà soát, thống kê từ đó tham mưu trình UBND tỉnh chỉ đạo thu hồi, cấp phép các diện tích đất đúng mục đích sử dụng, hiệu quả, tận dụng tài nguyên phát triển kinh tế - xã hội./.